Thoát nghèo từ mô hình mượn vốn nuôi bò vỗ béo

19/09/2018 - 07:10

 - “Mượn vốn nuôi bò vỗ béo” là mô hình hiệu quả, không còn xa lạ với người dân xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn). Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn hợp lý, kịp thời, kết hợp với tính cần cù, siêng năng nên những người nông dân quanh năm sống cảnh làm thuê giờ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Men theo con đường quê vào tận nội đồng ấp Trung Bình Nhì (xã Vĩnh Trạch), chúng tôi được giới thiệu về gương vượt khó của anh Khưu Văn Út (sinh năm 1974). Qua trao đổi, chúng tôi được biết, anh Út được địa phương cho mượn vốn nuôi bò vào năm 2012. Lúc ấy, anh được đi lựa chọn giống bò cùng chính quyền địa phương. Với nguồn vốn được mượn là 15 triệu đồng, anh Út mua 1 cặp bò nuôi. Sau 1 năm chịu khó chăm sóc, cắt cỏ tươi cho bò ăn, ngày xuất chuồng, anh thu về lợi nhuận gấp đôi. Lấy nguồn vốn đó, tiếp tục tái đàn, tăng số lượng bò nuôi lên 4 con. Cứ thế, sau 2 lần tái đàn, anh Út đã có dư một số vốn và hoàn hết nguồn vốn ban đầu cho địa phương. Với quyết tâm “lấy công làm lời”, hàng ngày anh Út chịu khó đi cắt cỏ ở những cánh đồng xa, vừa tiết kiệm chi phí, vừa vỗ béo bò tăng trưởng tốt.

Anh Út vươn lên thoát nghèo nhờ được mượn vốn nuôi bò

Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch Huỳnh Công Tấn cho biết: “Gương thoát nghèo nhờ “mượn vốn nuôi bò vỗ béo” của anh Út là 1 trong số những người chí thú làm ăn từ nguồn vốn được cho mượn ở địa phương. Năm 2012, nhận thấy giá trị kinh tế bò vỗ béo mang lại, địa phương đã mạnh dạn vận động nhà hảo tâm cho mượn nguồn vốn để giúp người nghèo, không ruộng đất, cuộc sống bấp bênh có điều kiện làm ăn. Lần đầu tiên, chúng tôi vận động được 30 triệu đồng, chia cho 2 hộ mượn (15 triệu đồng/hộ). Đợt xuất chuồng đầu tiên, hộ nuôi thu về lợi nhuận khá cao. Có hộ còn hoàn lại vốn cho nhà hảo tâm ngay. Nhờ uy tín và hiệu quả rõ rệt của mô hình, chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm. Từ đó, nguồn vốn tăng lên nhanh chóng. Năm 2013, có 9 hộ nuôi và năm 2014 là 31 hộ được cho mượn vốn. Sở dĩ chúng tôi dùng từ “mượn vốn” chứ không phải “vay vốn” vì mượn sẽ không tính lãi, hơn nữa, người được mượn sẽ nhận thấy trách nhiệm của mình và quyết tâm làm ăn để có tiền hoàn vốn cho địa phương”.

Nhận thấy mô hình “mượn vốn nuôi bò vỗ béo” của xã Vĩnh Trạch hiệu quả, không làm mất vốn nên UBMTTQVN huyện Thoại Sơn đã xin chủ trương của Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh về việc xây dựng Dự án nuôi bò thoát nghèo bền vững ở xã Vĩnh Trạch. Năm 2015, dự án được triển khai trên địa bàn, với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Ban Chỉ đạo quản lý vốn với 12 thành viên được thành lập, trong đó Chủ tịch UBMTTQ xã làm trưởng ban. Đã có 20 hộ nghèo được “cho mượn” vốn nuôi bò với số tiền 25 triệu đồng/hộ. Quá trình thực hiện, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện và xã Vĩnh Trạch thường xuyên nắm bắt tình hình, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn trong quá trình nuôi để hỗ trợ, giúp các hộ đạt hiệu quả kinh tế cao. Sau 1 năm thực hiện, 20 hộ nuôi đã xuất chuồng và hoàn vốn, lợi nhuận trung bình khoảng 8 triệu đồng/hộ. Năm 2017, dự án tiếp tục hỗ trợ cho 20 hộ nuôi bò vỗ béo. Trong đó có 14 hộ được đầu tư mới, 6 hộ được đầu tư tái đàn, qua 2 năm thực hiện dự án đã có 6 hộ thoát nghèo.

Điển hình cho sự chịu khó, phấn đấu vươn lên là hộ ông Lê Quang Khanh (ngụ ấp Tây Bình, xã Vĩnh Trạch). Sau khi được xét cho mượn 25 triệu đồng, ông Khanh mua 1 cặp bò vỗ béo. Tranh thủ thời gian chồng làm thợ hồ, vợ mua, bán nhỏ và nuôi bò. Sau 2 kỳ tái đàn, gia đình ông Khanh thu về lợi nhuận 18 triệu đồng. Với số vốn đó, gia đình ông tiếp tục tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. “Bên cạnh những người nuôi có hiệu quả vẫn có một số ít hộ nuôi bò không đạt chất lượng, có trường hợp không chí thú làm ăn, ỷ lại. Nhận thấy, nếu vẫn tiếp tục nuôi, người nuôi sẽ bị lỗ, chẳng những không có lời mà còn hao hụt nguồn vốn. Chúng tôi đã vận động hộ đó giao lại bò cho hộ khác nuôi và hoàn tiền công những ngày họ đã vất vả cực khổ. Nhờ kịp thời theo sát các hộ nuôi mà nguồn vốn hỗ trợ từ trước đến nay luôn đảm bảo hoàn đủ. Trước đó, các hộ nuôi đều được tập huấn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo và trong quá trình nuôi, tùy vào kinh nghiệm của mỗi người mà chất lượng bò xuất chuồng sẽ khác nhau” - ông Tấn chia sẻ.

“Tôi chưa bao giờ dám mơ mình sẽ cất được căn nhà mới bởi cảnh “thiếu trước hụt sau”, “chạy ăn từng bữa” vẫn không đủ. Tôi rất vui khi được chính quyền địa phương quan tâm, cho mượn vốn nuôi bò để có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Nếu không có số vốn ấy, đến giờ tôi vẫn mãi đi làm thuê, cấy mướn” - anh Út bộc bạch. Theo UBMTTQVN huyện Thoại Sơn, cuối năm 2018 này, các hộ nuôi bò ở Vĩnh Trạch sẽ hoàn hết vốn ban đầu. Nguồn vốn ấy sẽ tiếp tục thực hiện Dự án nuôi bò thoát nghèo ở các địa phương khác, nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thiết thực cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN