Đại lộ, đại phú
Năm 1824, danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào hoàn thành kênh Vĩnh Tế - kênh đào dài nhất miền Tây cho đến ngày nay. Hơn 200 năm sau công trình mang tầm cỡ quốc gia của bậc tiền nhân, ngày 17/6/2023 vừa qua, cũng trên vùng đất biên viễn Châu Đốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và bấm nút khởi công thêm một công trình tầm cỡ quốc gia khác, đó là Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).
Nói tầm cỡ quốc gia bởi đây là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên của ĐBSCL được khởi công xây dựng, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng - 4 địa phương có cao tốc đi qua, mà còn tạo động lực phát triển mới cho vùng đất "Chín Rồng".
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một trong 6 tuyến cao tốc thay đổi ĐBSCL. “Đây là vùng đất có nhiều tiềm năng, là vùng kinh tế, an ninh lương thực quan trọng của đất nước, nhưng hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhiều hạ tầng chiến lược khác chưa được đầu tư đúng mức. Muốn "đánh thức" thế mạnh vùng đất này, trước tiên phải tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
“Đại lộ, đại phú” là kỳ vọng lớn bởi theo Thủ tướng, chỉ trong tháng 6 này, có đến 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được khởi công, tạo điều kiện để ĐBSCL kết nối thông suốt với các vùng kinh tế động lực của cả nước, đặc biệt là đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh, miền Đông và Tây Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, cùng với hình thành tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, có 4 tuyến quốc lộ chạy song song theo trục ngang vùng ĐBSCL. “Tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chủ trương xây dựng 2 tuyến kết nối từ điểm đầu cao tốc qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và qua tuyến Quốc lộ 91C, nối lên vùng biên giới An Phú. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đặc biệt quan trọng khi nối từ vùng kinh tế biên giới An Giang xuống cảng Trần Đề. Đây là cảng vượt biển với quy hoạch cầu cảng ngoài khơi, cách bờ 10km, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải siêu lớn.
Với cảng Trần Đề, hàng hóa, nông sản vùng ĐBSCL có thể xuất khẩu trực tiếp, giảm chi phí vận chuyển và tăng giá trị hơn so với vận chuyển lên cảng Cát Lái. Tỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp dọc hành lang cao tốc, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư để tạo động lực phát triển mới” - ông Nguyễn Thanh Bình phân tích.
Khởi sắc bức tranh kinh tế
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau khi kết thúc năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,87%, vượt kế hoạch đề ra (5,2%), 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh tiếp tục khởi sắc. GRDP tăng 6,5%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ 2022 (4,9%); nông nghiệp tiếp tục phát triển, ước tăng 3,29% (cùng kỳ tăng 2,51%); các khu, điểm du lịch đón khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 15% so cùng kỳ và đạt 75% so kế hoạch.
“Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên”- ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.
Trong chuyến làm việc với tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà tỉnh đạt được thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước. “An Giang có vị trí chiến lược quan trọng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Vùng đất An Giang giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người con ưu tú của dân tộc, người bạn chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là tỉnh có dân số đông nhất vùng ĐBSCL, có hệ thống giao thông khá thuận lợi (Quốc lộ 91, 91C, 80B), hệ thống sông ngòi, kênh rạch đan xen, gần cảng và sân bay Cần Thơ… Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vừa khởi công, sẽ tạo thêm động lực phát triển cho tỉnh” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, An Giang có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Có đường biên giới dài hơn 100km giáp Vương quốc Campuchia, có Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương. Tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, địa danh nổi tiếng, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, di tích Óc Eo - Ba Thê, khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư…
Đặc biệt, người dân An Giang có truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường; thân thiện, cần cù, yêu lao động, năng động, sáng tạo. An Giang mang trong mình vẻ đẹp đặc trưng, độc đáo, vừa có núi non kỳ vĩ, nhiều cảnh quan tươi đẹp, vừa có đồng bằng trù phú, màu mỡ, đồng ruộng bát ngát, đan xen cùng sông nước mênh mông.
"Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, tỉnh An Giang hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, xanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước” - Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương và tỉnh An Giang thăm thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông An Giang
Cần đột phá tư duy
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang quán triệt một số quan điểm lãnh, chỉ đạo điều hành với tinh thần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đột phá hơn trong tư duy và tổ chức thực hiện.
Theo đó, cần quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, hiệu quả và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với cách làm, tư duy mới, đột phá để phát triển bứt phá, bởi “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tỉnh cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa sông, cửa khẩu của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
“An Giang cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện cho được các chỉ số năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi; khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ” - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gia đình chính sách tại TP. Châu Đốc
Đột phá phát triển
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh An Giang triển khai quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân với các giải pháp, như: giảm lãi suất cho vay, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư tư nhân và thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu…
An Giang cần chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước. Ngoài ra, thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững.
“Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, An Giang cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm đặc thù, riêng có, nhất là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị An Giang cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có cách làm, tư duy mới, đột phá để phát triển bứt phá, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “An Giang đã nói là làm/ Đã đi là đến, đã bàn là thông/ Đã quyết là dốc một lòng/ Quê hương vẫy gọi, Đảng mong, dân chờ”. |
NGÔ CHUẨN - THU THẢO