Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong thông điệp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: Trong năm 2022, hơn 100 triệu người trên thế giới đã phải chạy trốn bạo lực, xung đột, cháy rừng, hạn hán cũng như tình trạng đói nghèo.
Từ Ukraine, Afghanistan đến Cộng hòa Dân chủ Congo và nhiều nơi trên trái đất, nhiều người đã phải rời bỏ chính ngôi nhà của mình, ra đi để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã tạo ra những thách thức chưa từng có đối với toàn bộ hệ thống quốc tế. Lời kêu gọi kiềm chế các hành động gây leo thang căng thẳng đã bị bỏ qua và hậu quả là những tác động khôn lường đã vượt khỏi phạm vi thực địa nơi xảy ra xung đột.
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) chỉ rõ, xung đột vũ trang là yếu tố chính góp phần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh thế giới vẫn quay cuồng xử lý hậu quả của đại dịch Covid-19.
Nhiều cuộc xung đột vẫn kéo dài chưa có hồi kết ở khắp các châu lục. Hơn 300.000 dân thường thiệt mạng trong cuộc nội chiến đã bước qua năm thứ 11 ở Syria.
Sau bảy năm xung đột, người Yemen tiếp tục sống trong bất an. Căng thẳng giữa Israel và Palestine lại nóng lên mỗi lần đụng độ nổ ra tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Mầm mống của khủng bố cực đoan có dấu hiệu hồi sinh với những vụ đánh bom liều chết làm rung chuyển Afghanistan. Bán đảo Triều Tiên vẫn “nóng” bởi hàng loạt vụ thử vũ khí và các hoạt động tập trận ở khu vực.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc luôn gặp nguy hiểm khi thực hiện nhiệm vụ ở một số quốc gia châu Phi. Trong năm 2022, gần như tháng nào tại Mali cũng ghi nhận các vụ tấn công nhằm vào dân thường và cả những người thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Ba nhân viên của Phái bộ Liên hợp quốc đã hy sinh ở khu vực Bắc Kivu của Cộng hòa Dân chủ Congo. Ở châu Mỹ, khủng hoảng nhân đạo tại Haiti ngày một trầm trọng khi các băng đảng tranh giành địa bàn.
Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng, xung đột đan xen, Liên hợp quốc tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong các cuộc đối thoại hòa bình trên khắp thế giới. Một điểm nổi bật trong hoạt động của Liên hợp quốc là việc thúc đẩy thành công Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, giúp nối lại các chuyến tàu chở lương thực từ các cảng của Ukraine. Thỏa thuận được triển khai đã góp phần làm chậm đà tăng chóng mặt của giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón trên toàn thế giới.
Sudan, quốc gia chìm sâu trong bất ổn chính trị sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021 đón nhận tin tốt lành. Tổng Thư ký Liên hợp quốc ca ngợi về một thỏa thuận hòa bình giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự cũng như việc bảo đảm một gói hỗ trợ cho Sudan trong giai đoạn chuyển tiếp. Một thỏa thuận hòa bình được ký vào tháng 11 tại Ethiopia cũng được Liên hợp quốc mô tả là “bước đầu tiên quan trọng” hướng tới chấm dứt hai năm giao tranh ác liệt.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Syria vẫn tiếp tục gặp gỡ các bên tại Syria và các đối tác quốc tế, nhằm theo đuổi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Yemen vẫn tin có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình và điều quan trọng là không đánh mất niềm tin. Những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện, cho thấy Colombia, quốc gia đã trải qua hàng chục năm giao tranh trong nước, có thể đạt được một nền hòa bình lâu dài.
Để cứu các thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, chủ nghĩa đa phương hiệu quả, mang tính toàn diện phải sớm được hồi sinh. Ông nêu rõ: Năm 2023, chúng ta cần hòa bình hơn bao giờ hết. Hòa bình giữa con người với con người, thông qua đối thoại để chấm dứt xung đột. Hòa bình với thiên nhiên và khí hậu, để xây dựng một thế giới bền vững hơn.
Theo ĐINH TRƯỜNG (Nhân dân)