Theo đó, bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện, bổ sung các quy định mới về hướng dẫn thanh toán thuốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, thuốc luôn là cấu phần quan trọng và chiếm tỷ lệ chi lớn trong tổng chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Theo quy định hiện nay, thuốc trong danh mục BHYT chi trả được phân theo hạng bệnh viện, bao gồm hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV; tuyến chuyên môn kỹ thuật gồm tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã.
Trong đó, danh mục thuốc của trạm y tế chỉ khoảng 25% trong tổng số 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm y tế thuộc danh mục thuốc BHYT. Thông tư 37/2024 quy định, các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục BHYT phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, điều trị, mà không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật. Điều này giúp bệnh nhân tuyến dưới được dùng thuốc trong danh mục BHYT như các bệnh viện tuyến trên.
Quy định này khuyến khích cơ sở KCB phát triển chuyên môn và kỹ thuật; thu hút nhân lực và khuyến khích phát triển năng lực của cán bộ y tế, đặc biệt, tạo điều kiện phát triển cho y tế cơ sở để bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả BHYT đối với thuốc. Bên cạnh đó, quy định mới góp phần hạn chế tình trạng người bệnh đi KCB tại cấp chuyên môn kỹ thuật cao, giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên.
Là bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị ổn định nhiều năm qua, ông Trần Văn Nhịn (64 tuổi, ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) thường xuyên đến bệnh viện huyện khám định kỳ để lấy thuốc uống. Ông cho biết, tháng nào cũng phải đến bệnh viện huyện lấy thuốc vì trạm y tế ở gần nhà chỉ cấp loại thuốc thuộc phạm vi quy định, một số loại thuốc phải đến bệnh viện lấy. Nay theo quy định mới, trạm y tế xã cấp thuốc cho người bệnh như bệnh viện huyện thì người dân lấy thuốc ở gần nhà, rất thuận tiện.
Thông tư 37/2024 là một trong những đột phá về mặt thể chế để xây dựng danh mục thuốc BHYT, đúng với tinh thần của Đảng, Nhà nước là phải đột phá về mặt thể chế, minh bạch công khai, phải xây dựng hành lang pháp lý cụ thể để dễ dàng thực hiện, cái gì là nhu cầu của cuộc sống thì phải đưa vào. Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT thông tin, với quy định mới, Bộ Y tế đã mở rộng tối đa danh mục thuốc BHYT xuống tới cấp cơ bản và cấp ban đầu, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các cấp chuyên môn KCB. Qua đó, chỉ cần cơ sở y tế có đủ phạm vi chuyên môn, giấy phép hoạt động KCB, có đủ người hành nghề, đủ năng lực điều trị chẩn đoán bệnh, được phê duyệt danh mục kỹ thuật để thực hiện, thì bác sĩ được phép kê đơn thuốc để điều trị cho người bệnh.
Để Thông tư 37/2024 thực sự đi vào thực tiễn, y tế cơ sở phải được đầu tư, nâng cao về con người, máy móc, trang thiết bị để có thể chẩn đoán và kê được đơn thuốc danh mục BHYT. “Cần phải có những điều kiện về mặt cơ chế liên quan đến phát triển nguồn lực để thực hiện được danh mục thuốc BHYT. Nếu chỉ quy định như vậy, mà y tế cơ sở không được đầu tư, thì bác sĩ cũng không kê đơn được. Cuối cùng, người bệnh cũng không được hưởng lợi từ chính sách và bài toán bệnh nhân lên tuyến trên vẫn còn xảy ra”- bà Trần Thị Trang cho biết.
Thông tư 37/2024 tạo hành lang pháp lý quan trọng để từ đó việc cập nhật danh mục thuốc BHYT được thực hiện thường xuyên hơn, tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Bộ Y tế dự kiến, mỗi năm sẽ có một thông tư cập nhật danh mục thuốc BHYT, phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, không chỉ quy định về việc đưa thuốc vào danh mục BHYT, Thông tư 37/2024 còn quy định đưa ra khỏi danh mục những thuốc không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí về an toàn và hiệu quả, giúp chấm dứt tình trạng "đã đưa vào danh mục rồi thì thuốc đó cứ thế tồn tại qua nhiều năm". Từ đó, tạo động lực để không ngừng có những loại thuốc mới. Các nhà sản xuất sẽ phải nghiên cứu, phát triển loại thuốc để tăng hiệu quả điều trị bệnh, phủ được hết các mặt bệnh và đa dạng hóa loại thuốc sử dụng trong thực tiễn.
N.R (Tổng hợp)