Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 8,5%

28/05/2020 - 20:28

Theo các số liệu được báo cáo, thu ngân sách nhà nước đã vượt dự toán 8,5%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV

Thu vượt dự toán

Chiều 28-5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2018 nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và còn những hạn chế, bất cập trong nội tại.

Với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đạt kết quả toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, chỉ tiêu mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,08% (kế hoạch giao tăng 6,5% - 6,7%) là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, nhờ đó tác động tích cực đến thu, chi NSNN.

Dự toán thu NSNN 1.319.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.431.662.057 triệu đồng, tăng 8,5% (112.462.057 triệu đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Trong đó ngân sách địa phương tăng thu 78.099.136 triệu đồng, ngân sách trung ương tăng thu (gồm cả tăng thu từ nguồn viện trợ) 34.362.921 triệu đồng,

Đáng chú ý là, thu nội địa (không bao gồm thu từ dầu thô): Dự toán 1.099.300.000 triệu đồng, quyết toán 1.155.293.427 triệu đồng, tăng 5,1% (55.993.427 triệu đồng) so với dự toán, chủ yếu nhờ: tăng thu tiền sử dụng đất (61.914.517 triệu đồng).

Thu dầu thô: Dự toán 35.900.000 triệu đồng, quyết toán 66.048.458 triệu đồng, tăng 84% (30.148.458 triệu đồng) so với dự toán; chủ yếu do giá dầu thanh toán bình quân đạt 74,6 USD/thùng, tăng 24,6 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán (giá dự toán là 50 USD/thùng) và sản lượng thanh toán đạt cao hơn dự toán là 0,7 triệu tấn.

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Quốc hội lưu ý, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020; Tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục.

Quốc hội đề nghị Chính phủ có thêm các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, nhất là tại địa bàn trọng điểm, khu vực kinh tế phi chính thức, các khoản theo hình thức thu khoán... và cần quyết liệt hơn trong công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.

Quản chặt khoản chi

Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán chi NSNN 1.523.200.000 triệu đồng, quyết toán 1.435.435.263 triệu đồng, bằng 94,2% (giảm 87.764.737 triệu đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán, hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN.

Trong số đó, chi đầu tư phát triển: Dự toán 401.691.061 triệu đồng, quyết toán 393.303.617 triệu đồng, bằng 97,9%, chủ yếu do chi từ nguồn vốn ngoài nước không đạt dự toán, và một số nội dung được chuyển nguồn sang năm sau giải ngân tiếp theo quy định của Luật Đầu tư công. Số chi đầu tư phát triển chiếm 27,4% tổng chi NSNN, bằng 7,1% GDP.

Chi phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý hành chính: Dự toán 974.523.939 triệu đồng (bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương), quyết toán 931.858.604 triệu đồng, bằng 95,6% so với dự toán, chiếm 64,9% tổng chi NSNN, tỷ trọng giảm so với năm 2017 (năm 2017 tỷ trọng là 65,5% tổng chi NSNN).

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Quốc hội vẫn chỉ ra một số hạn chế, bất cập như: Công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để; Giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm.

Trong báo cáo, Chính phủ thừa nhận, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỷ đồng; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày, tổng hợp kết quả chính từ 268 BCKT của 214 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu 8.151 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.884 tỷ đồng; chuyển bốn vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, hai vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo LÊ HÀ (Báo Nhân Dân)