Sáng (24-3), tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) tổ chức Lễ khởi công Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp; Khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco Chu Lai mở rộng; Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn và Khu nhà ở công nhân, tái định cư. Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên những bài học giúp Khu Kinh tế mở Chu Lai thành công như ngày hôm nay và nhận định, Chu Lai hứa hẹn là nơi “đất lành chim đậu” cho doanh nghiệp ngành gỗ.
Thủ tướng khái quát 6 điểm chính rút ra từ thành công của Chu Lai, Thaco.
Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Thaco cho biết, những dự án khởi công hôm nay đều là những dự án trọng điểm mang tính chiến lược cho giai đoạn phát triển mới theo hướng đa ngành của Công ty này và giai đoạn đầu tư mới của Thaco tại Khu Kinh tế mở mở Chu Lai.
Trong đó, Dự án Khu công nghiệp cơ khí và ô tô mở rộng có diện tích 115 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 1.600 tỷ đồng để thu hút, phát triển tiếp công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm giá thành và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô du lịch đạt trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN vào năm 2020.
Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công KCN Nông - Lâm nghiệp và KCN cơ khí ô tô Thaco Chu Lai mở rộng.
Dự án Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp là khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tập trung mà chính yếu và trước mắt là cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng; công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Khu công nghiệp này có diện tích 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2022.
Khu công nghiệp còn là nơi thu hút các nhà đầu tư là đầu mối sơ chế và cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất đồ gỗ thông qua việc nhập khẩu và phát triển vùng trồng nguyên liệu tại miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam, Lào và Campuchia; các nhà đầu tư sản xuất đồ gỗ; các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành gỗ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng trở lại vùng đất Chu Lai, một biểu tượng sống động về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam và cũng là vùng đất của những doanh nghiệp tiên phong, dám nghĩ dám làm, với khát vọng vươn ra biển lớn.
Lễ khởi công xây dựng bến cảng 5 vạn tấn và khu nhà ở công nhân.
Từ thành công của Chu Lai, Thủ tướng nêu lên một số bài học và kinh nghiệm thực tiễn. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, tài nguyên quan trọng hàng đầu của Chu Lai nói riêng, cả nước nói chung, không nằm dưới lòng đất hay ngoài biển khơi, mà ở trong chính khối óc, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và khát vọng vượt lên chính mình của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nêu lên điều này, Thủ tướng cho biết, đây cũng chính là lý do mà từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đánh thức tinh thần khởi nghiệp, khát vọng dân tộc trong mỗi doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Để thành công, các địa phương cần vận động bằng được những “con sếu” đầu đàn, có khả năng đi trước dẫn đường. Lãnh đạo địa phương phải luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, chia sẻ khó khăn, coi thành thành công của doanh nghiệp là thành công của địa phương. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xây dựng cho mình tư tưởng tương tự.
Nhấn mạnh điều dó, Thủ tướng cho rằng: “chìa khóa quan trọng để thực hiện được điều này là công thức 3 bên cùng thắng, win-win-win, giữa Đảng Bộ, chính quyền- cộng đồng doanh nghiệp- nhân dân địa phương”.
Thủ tướng khẳng định sẽ hết sức ủng hộ và hỗ trợ để các công ty nói chung và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải nói riêng đầu tư hoàn thành các dự án.
Một yếu tố quan trọng nữa Thủ tướng nêu ra là trong mọi đột phá về chiến lược thì đột phát về thể chế-cơ chế-chính sách luôn đóng vai trò tiên quyết. Điều này không chỉ phụ thuộc vào những chuyển động từ cấp Trung Ương, mà địa phương cũng là chất xúc tác chiến lược, đóng góp những ví dụ thực tiễn quan trọng cho những hoạch định chiến lược và chính sách cấp Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh thành công của Chu Lai sẽ tạo nên tiền đề quan trọng, để Chu Lai-Dung Quất và Thành phố Đà Nẵng, góp phần tạo nên sức bật mới cho toàn bộ miền Trung-Tây nguyên.
Để hướng tới mục tiêu hình thành cực tăng trưởng Chu Lai-Dung Quất và Thành phố Đà Nẵng, thì Chu Lai-Quảng Nam, Dung Quất-Quảng Ngãi và Thành phố Đà Nẵng cần liên kết-cộng hưởng trong các hoạch định chính sách và nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt là các tỉnh cần đối thoại, liên kết và đề xuất lên Trung Ương những ý tưởng đột phá về thể chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho toàn bộ vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung Tây Nguyên, trong đó có vùng lõi Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Dung Quất-Quảng Ngãi, Bình Định.
Khai trương Lô hàng trái cây đầu tiên xuất khẩu từ cảng Chu Lai.
Nhìn từ bài học thực tiễn của Chu Lai, Thủ tướng cho rằng, để xây dựng một khu vực động lực kinh tế thành công thì cần hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh để thu hút, giữ chân doanh nghiệp, lôi kéo các nhà đầu tư mới, khuyến khích những khát vọng kinh doanh vươn ra biển lớn. Trong đó, Thaco là một ví dụ tốt về tư duy hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những tiềm năng của Chu Lai, Thủ tướng cho rằng, trong tương lai gần, Chu Lai sẽ đóng góp quan trọng, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới và một Chu Lai khởi nghiệp để trở thành trung tâm chế biến nông lâm nghiệp chất lượng cao của cả nước.
“Chu Lai hứa hẹn sẽ là nơi “đất lành chim đậu” của các doanh nghiệp ngành gỗ”: Thủ tướng đánh giá và tin tưởng, với các nền tảng về công nghiệp cơ khí, phụ trợ sẵn có; cùng với các yếu tố hạ tầng được quy hoạch tốt như chợ giao dịch gỗ nguyên liệu, vùng nguyên liệu sẵn có, hệ thống cảng logistic và cách tiếp cận toàn diện, đi vào chế biến sâu..., chắc chắn các doanh nghiệp đặt nhà máy tại Chu Lai sẽ tiếp kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.
Thủ tướng thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đào, Quảng Nam.
Trước đó, trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa viếng Nghĩa trang liệt sĩ và viếng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại núi Cấm, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dâng hương, dâng hoa viếng Nghĩa trang liệt sĩ và viếng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.
Thủ tướng cũng đã thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Hân (sinh năm 1932) và Lê Thị Đào (sinh năm 1922) tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam./.
Theo VŨ DŨNG (VOV)