Thủ tướng gợi ý tên bộ mới: "Bộ Truyền thông và Kinh tế số"

28/12/2019 - 18:36

Thủ tướng đưa ra gợi mở này tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sáng nay (28/12), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đánh giá cao Bộ đã nói đi đôi với làm, nhất là trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu Bộ cần là nòng cốt, tạo sự chuyển biến căn bản về Chính phủ điện tử trong năm 2020, trong đó phải thúc đẩy kết nối vừa chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

Một trong những điểm sáng của ngành năm qua là đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động. Trong đó, Vietel đã thử nghiệm thành công công nghệ 5G tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. VNPT và MobiFone đã triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm trên thực địa và thử nghiệm trong năm 2019. Bộ cũng đang xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp năm 2020. Tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin năm 2019 ước đạt khoảng 135 tỷ USD, nộp ngân sách hơn 43 tỷ USD. 

Bằng nhiều biện pháp triển khai, năm qua, Việt Nam được Liên minh viễn thông quốc tế xếp thạng thứ 50 về chỉ số an toàn thông tin, tăng tới 50 bậc so với năm 2017. 

Trong lĩnh vực quản lý báo chí, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bộ cũng đã đàm phán, đấu tranh với Facebook và Google để buộc hai nhà cung cấp này phải tích cực hợp tác, tháo gỡ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu, độc. 

Cần “đầu lạnh” và “tim hồng”

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của toàn ngành Thông tin và Truyền thông đối với những thành quả của đất nước trong năm qua. Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít bất cập, tồn tại của ngành, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong phát triển kinh tế số của đất nước thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số và đều liên quan rất nhiều đến Bộ Thông tin và Truyền thông: “Các đồng chí có trách nhiệm lớn lao, góp phần vào vinh quang của Tổ quốc, Tổ quốc phát triển mạnh mẽ hay không là phải áp dụng công nghệ. Cho nên có thể nói, Thông tin và Truyền thông là mặt trận không bao giờ “im tiếng súng”, những dòng chảy liên tục của thông tin mang lại tác động phong phú đến đời sống tinh thần, tình cảm của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Cùng với đó là những cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận thông tin giữa thật và giả, giữa tiêu cực và tích cực. Đây là sứ mệnh lớn lao của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chính vì vậy, cán bộ của ngành thông tin và truyền thông thông phải là những người luôn giữ “cái đầu lạnh và một trái tim hồng”. 

Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tốt Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp cần có chương trình chuyển đổi số. Bộ Thông tin phải đi đầu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực bưu chính viễn thông, báo chí, truyền thông:  

“Đầu năm 2020, Việt Nam tuyên bố Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Đó là chuyển đổi số các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, chuyển đổi số cho báo chí xuất bản, hình thành các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác. Các đồng chí chuyển đổi số rồi nhưng phải làm dịch vụ cho các doanh nghiệp khác. Bây giờ trên 800.000 doanh nghiệp, cuối năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, trong khi mới có 50.000 doanh nghiệp trong ngành bưu chính viễn thông”- Thủ tướng nhấn mạnh. 

Tạo sự chuyển biến căn bản về Chính phủ điện tử

Đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông năm qua đã nói đi đôi với làm, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, giúp xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng hạng, nhưng theo Thủ tướng, phải tạo sự đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử. 

"Điều rất quan trọng Chính phủ giao cho Bộ TT &TT năm 2020, Chính phủ điện tử phải có chuyển biến căn bản. Đó là kết nối chia sẻ dữ liệu tới 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; đó là 100% hệ thống công nghệ thông tin của Chính phủ điện tử phải có trung tâm giám sát an ninh mạng và dịch vụ công cấp độ 4. Cấp độ 3,4 tức là người làm thủ tục không gặp người giải quyết thủ tục, mà thông qua trực tuyến. Từ đó giảm tham nhũng vặt trong công chức, viên chức. Như các đồng chí báo cáo, Chính phủ điện tử Việt Nam còn khiêm tốn, Bộ phải có vai trò đưa thứ hạng Việt Nam lên. Chính vì thế mà các đồng chí phải trực tiếp xử lý hoặc tham mưu xử lý những vấn đề về công nghệ và đặc biệt là kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ"- Thủ tướng nói.   

Thủ tướng nghe giới thiệu về công nghệ, thiết bị 5G do Việt Nam sản xuất.

Cho biết, năm 2020 Việt Nam đăng cai tổ Triển lãm số thế giới lần thứ 50 với sự tham dự của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thủ tướng yêu cầu Bộ tham gia tổ chức tốt sự kiện này để giới thiệu về sự phát triển cũng như uy tín của Việt Nam. Đây là sự kiện công nghệ số lớn nhất thế giới của Liên minh Viễn thông thế giới thuộc Liên hiệp Quốc (đã tổ chức sau 49 lần ở các nước khác). Việt Nam là quốc gia đề xuất chuyển từ triển lãm viễn thông thành triển lãm về số, thay đổi cơ bản về nội hàm. 

Nhấn mạnh, Việt Nam cương quyết không chậm hơn so với thế giới về công nghệ thông tin, viễn thông, trong đó có việc đã sản xuất được thiết bị 5G, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nền tảng, là hạ tầng để phát triển các ứng dụng công nghệ mới. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có kế hoạch phổ cập phổ cập  4G, 5G, phổ cập điện thoại thông minh và dịch vụ công trực tuyến. Nhấn mạnh, việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phổ cập thiết bị 5G.

Trước tình trạng phát triển đô thị thông minh nở rộ ở nhiều địa phương, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải rà soát để có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào dẫn đến kém hiệu quả lãng phí.  

Cho rằng, vấn đề an toàn, an ninh mạng vẫn là bài toán đặt ra, Thủ tướng lưu ý, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết của Chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Do đó, cần tiếp tục đầu tư cho Trung tâm Quốc gia về giám sát an toàn thông tin không gian mạng để đủ năng lực giám sát, phân tích dự báo tình hình, kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, đảm bảo một không gian mạng lành mạnh, tích cực.

Phải tìm cho mình đôi cánh

Đối với công tác quản lý báo chí, Thủ tướng lưu ý, năm sau là năm đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, nhân dân cả nước rất quan tâm, nhưng đồng thời các thế lực thù địch, chống phá chế độ cũng lợi dụng dịp này để tuyên truyền nói xấu, bôi nhọ chế độ. Do đó, vai trò của báo chí là hết sức quan trọng:

Thủ tướng đề nghị báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Chúng ta quyết tâm phấn đấu trở thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Cùng với đó là cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối cách mạng, bảo vệ chế độ. Cho nên tôi đề nghị các đồng chí phải có một chương trình trong hệ thống báo chí, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tích cực bảo vệ Đại hội Đảng các cấp thành công.  

Tại hội nghị, Thủ tướng nhắc lại việc châu Á đã chứng kiến sự trỗi dậy của “4 con hổ” và đặt vấn đề, liệu Việt Nam có thể là một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á, “con hổ” thứ 5 hay không và cho rằng, câu trả lời là “Có”. 

Với niềm tin và khát vọng đó, Thủ tướng liên tưởng đến hình ảnh con chim Lạc như truyền thuyết con cháu Lạc Hồng và cho rằng, con hổ tuy khỏe và chạy nhanh hơn nhưng con chim bay theo đường thẳng sẽ ngắn hơn, linh hoạt hơn và có thể về đích sớm hơn. 

“Đất nước ta phải tìm cho mình đôi cánh, chọn cho mình con đường tiến lên hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện thực hóa khát vọng 2045. Đó có lẽ phải là đường bay chứ không phải lối mòn. Đó cũng là một lý do để Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển”.

Nhấn mạnh vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông trong phát triển kinh tế số, Thủ tướng cho rằng, cần thảo luận một tên thích hợp hơn cho Bộ và gợi ý tên "Bộ Truyền thông và Kinh tế số" để thảo luận.

Theo VOV