Quang cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cán bộ chủ chốt tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Sáng 12-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Đây cũng là cuộc kiểm tra đầu tiên của Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nông nghiệp được mùa
Là tỉnh cực Nam đồng bằng sông Hồng, nối liền miền Bắc với miền Trung bởi dãy núi Tam Điệp hùng vĩ, trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Ninh Bình luôn được biết đến là vùng đất Cố đô Hoa Lư “địa linh, nhân kiệt” gắn liền với 3 triều đại Đinh, Lê, Lý.
Nơi đây có hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã làm say lòng du khách, như Tam Cốc-Bích Động, Địch Lộng, Vân Trình...
Đặc biệt, tháng 6/2014, UNESSCO đã vinh danh Quần thể Danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình là "Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới."
Ninh Bình còn là tỉnh nằm gần các địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc với tuyến hành lang Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy đang được đầu tư đồng bộ, thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, Ninh Bình chỉ đạt tăng trưởng 3,85%.
Điểm sáng của Ninh Bình 6 tháng đầu năm nay là nông nghiệp được mùa. Tỉnh đã sớm chuyển đổi sản xuất chăn nuôi, tổ chức tái đàn; sản xuất công nghiệp tăng 9%, đạt gần 50% kế hoạch; thu ngân sách 9.194 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ninh Bình cũng luôn là địa phương trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính, xếp thứ 8 cả nước.
Tỉnh mạnh dạn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chọn làm địa phương thí điểm thực hiện chương trình Chuyển đổi số trong cả nước.
Khó khăn hiện nay của địa phương là những hậu quả nặng nề của COVID-19 trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là du lịch chỉ đạt 1,5 triệu lượt khách, giảm 72%, doanh thu giảm 66%.
Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chỉ đạt 64,8 triệu đồng; chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp…
Giải ngân 72% tổng vốn đầu tư công
Báo cáo với Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho biết, đến nay tỉnh đã giải ngân 72% trong tổng số vốn được giao trên 3.000 tỷ đồng.
Ninh Bình đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục và tập trung giải phóng mặt bằng là hai khâu trọng tâm trong lĩnh vực này.
Kinh nghiệm rút ra từ Ninh Bình là tăng cường mật độ các cuộc họp của Hội đồng Nhân dân để giải quyết các thủ tục, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Đối với khâu giải phóng mặt bằng-vướng mắc thường xuyên nhất trong giải ngân vốn đầu tư công, Ninh Bình chủ động khắc phục khó khăn trong thủ tục liên quan đến quản lý đất đai để đảm bảo đủ điều kiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề cao vai trò của lãnh đạo huyện – Trưởng ban giải phóng mặt bằng trên địa bàn để đôn đốc, giao trách nhiệm thực hiện dưới sự hỗ trợ của tỉnh.
Ninh Bình cam kết sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí sẵn sàng tiếp nhận vốn chậm giải ngân từ nơi khác chuyển về.
Về vấn đề này, Thủ tướng đánh giá, cách làm của Ninh Bình là chủ động, khoa học và đúng pháp luật, đặc biệt là việc tăng cường các phiên họp Hội đồng Nhân dân trong khi nhiều địa phương khác 6 tháng Hội đồng Nhân dân mới họp 1 lần, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, tỉnh rất tập trung giải phóng mặt bằng, đề cao vai trò Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng cho rằng đây là kinh nghiệm tốt, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để đảm bảo tiến độ và tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, Ninh Bình xếp thứ 3/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, là 1 trong những địa phương tốp đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Phát triển có tính chất nền tảng
Nhận định tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, Thủ tướng cho rằng Ninh Bình đạt kết quả tốt, có tính chất nền tảng để bước vào một giai đoạn mới.
Tỉnh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội; trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, trường đạt chuẩn quốc gia…
Kinh tế phát triển khá, vượt kế hoạch đề ra, quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng bình quân hơn 8%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn vừa qua.
Công nghiệp có nhiều bước tiến với những mũi nhọn chủ lực, tạo ra tăng trưởng lớn, nhất là lĩnh vực công nghiệp ôtô, không chỉ đóng góp cho ngân sách địa phương mà còn góp phần phát triển hệ sinh thái công nghiệp ôtô Việt Nam.
Nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tiên tiến, bền vững. Giá trị sản xuất tăng, cơ cấu GDP nông nghiệp, lao động nông nghiệp giảm chỉ còn dưới 23%, là một trong những tỉnh thấp nhất Đồng bằng Bắc bộ.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về thành tích trong xây dựng nông thôn mới của Ninh Bình. Cùng với đó, dịch vụ, du lịch phát triển khá, từng bước khẳng định vị thế trong nước và quốc tế. Cải cách hành chính có thành tích cao; ứng dụng công nghệ thông tin và chính quyền điện tử tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; tỉnh cũng đã đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia vào cổng dịch vụ công. Quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường được chú trọng. Việc lập, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai tốt. Nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh được triển khai hiệu quả, đặc biệt là việc phòng, chống COVID-19. An sinh xã hội đạt kết quả tốt. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn khoảng 2%.
Lưu ý một số vấn đề hạn chế, cần khắc phục của tỉnh, Thủ tướng chỉ rõ đó là thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Tỉnh chưa hình thành được những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; đóng góp chưa cao vào cơ cấu giá trị ngành dịch vụ; sản phẩm du lịch chưa phong phú.
Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn chưa đạt yêu cầu, mới chỉ đạt 8.000 doanh nghiệp trong khi mục tiêu là 10.000.
Nhu cầu nâng cấp hạ tầng còn lớn; chưa giải quyết triệt để nhu cầu xây dựng cơ bản; vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra. Một số đề án thương mại, dịch vụ của tình còn triển khai chậm; chỉ số PCI chưa có sự bứt phá.
Chuyển đổi số là mũi nhọn
Về những giải pháp thời gian tới của Ninh Bình, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “không lùi bước trước khó khăn, phát huy sáng tạo, chung sức đồng lòng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu 2020,” trong đó có đóng góp của từng bộ, ngành, địa phương và tỉnh Ninh Bình.
Thủ tướng mong muốn Ninh Bình cần quyết tâm cao hơn nữa, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Về tầm nhìn phát triển của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, Ninh Bình cần trở thành một tỉnh có động lực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và cả nước; một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách; có chất lượng, sáng tạo, đổi mới; phát triển xanh và bền vững.
(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ, toàn diện việc triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Đại hội Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ.
Tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; chủ động lập Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo Ninh Bình cần tập trung làm tốt việc chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, thanh toán điện tử, coi đây là mũi nhọn mà tỉnh đã nhận là địa phương thí điểm của cả nước.
Song song với đó, Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển kinh tế nông thôn mới với môi trường sạch, hệ sinh thái tốt; coi đây là một trong những động lực của tỉnh trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị Ninh Bình tập trung phát triển du lịch, thu hút đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này; làm tốt việc bảo tồn khu giá trị di sản, văn hóa; không ngừng đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường quản lý du lịch bởi đây cũng là lĩnh vực kinh tế hàng đầu của địa phương.
Ngoài ra, Ninh Bình cần tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp ôtô.
Thủ tướng đặt vấn đề, Ninh Bình phấn đấu ngay trong năm 2020 có thể tự cân đối được ngân sách và đóng góp cho ngân sách trung ương.
Thủ tướng cũng tán thành hướng phấn đấn của Ninh Bình sớm trở thành tỉnh nông thôn mới, nông nghiệp sạch, đa chức năng, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng bản đồ số trong nông nghiệp.
Thủ tướng lưu ý tỉnh cần không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng nền nông nghiệp cạnh tranh, hỗ trợ phát triển công nghiệp; tiếp tục đi đầu trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tỉnh cũng phải tiếp tục nâng cao chất lượng, kết quả cải cách hành chính, tiếp tục áp dụng mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách thực chất; chủ động thu hút người tài đến sinh sống và làm việc.
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)