Thủ tướng: Phấn đấu đưa nông nghiệp vào top 15 nước phát triển nhất thế giới

30/07/2018 - 19:01

Sáng 30-7, lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc quy mô lớn nhất từ trước đến nay về “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” đã được Chính phủ tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng – một địa danh nổi tiếng với nhiều thương hiệu nông sản “đắt hàng”, hiệu quả kinh tế cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Hội nghị một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực được coi là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước.

Hội nghị thu hút sự tham dự của khoảng hơn 800 đại biểu chính thức, là những người rất tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp, đến từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học.

Gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp là 7.600 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Năm 2017, Việt Nam có 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: Thủy sản đạt hơn 3,9 tỷ USD; cà phê đạt 2 tỷ USD; rau quả đạt 2 tỷ USD; gạo đạt 1,8 tỷ USD; hạt điều đạt 1,7 tỷ USD...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhìn chung ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn phát triển thiếu bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định…

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, một yêu cầu cần đặt ra là phải chỉ rõ các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo dựng được các thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là những giải pháp đảm bảo thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, những cam kết quốc tế cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là đảm bảo lợi ích của người nông dân đã đóng góp đất đai cho doanh nghiệp.

Xây dựng trung tâm kinh tế nông nghiệp

Đáng chú ý, khác với những phần tham luận đặt quyết tâm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp của các hiệp hội, ngành hàng, đại diện khối doanh nghiệp phân phối sản phẩm nông sản, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico đưa ra quan điểm, trong thời gian tiến tới hiện đại hóa hoàn toàn sản xuất nông nghiệp, vai trò các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Do đó, bà Thực kiến nghị Chính phủ “mở cửa”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài nguyên gen thực vật quốc gia để doanh nghiệp được chủ động nghiên cứu, sản xuất các nguồn giống có hiệu quả kinh tế cao.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Với kinh nghiệm nhiều năm buôn bán ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội, bà thực cho rằng, hiện nay các chợ đầu mối không khác gì 20 năm về trước. Bà Thực kiến nghị Nhà nước cần hình thành một khu trung tâm kinh tế nông nghiệp để cung cấp mọi sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, đáp ứng mọi nhu cầu về sản xuất, kinh doanh nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp.

Làm rõ thêm những thách thức đối với ngành nông nghiệp nước nhà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, yêu cầu tất yếu phải thực hiện là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tập trung hàng hóa, trong đó xây dựng doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết.

Vị “Tư lệnh ngành nông nghiệp” cũng khẳng định lại lợi thế đặc biệt về địa lý, thổ nhưỡng của Việt Nam có đủ dư địa để phát triển nông nghiệp với 3 mặt hàng nông sản chủ lực theo nhu cầu của thị trường gồm: Thủy sản, lúa gạo, trái cây; cây công nghiệp, cây dược liệu…

Tán thành với quan điểm này, trong phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đặc thù của Việt Nam là quốc gia “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, dân số đông, 70% dân số Việt Nam làm trong ngành nông nghiệp, nhưng GDP trong lĩnh vực này chỉ chiếm 18%. Điều này đặt ra yêu cầu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Đây cũng là quan điểm định hướng đối với các cấp, các ngành, Thủ tướng nói.

Đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế

Điểm lại những thành công lớn lao của nông nghiệp Việt Nam, từ một nước thiếu ăn nghiêm trọng, đã trở thành quốc gia có nền nông nghiệp thứ nhì khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của các loại hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ.

Bày tỏ sự trăn trở trước tình hình sản xuất nông nghiệp ở trong nước, Thủ tướng băn khoăn về việc tiêu thụ túi nilon trong bao tiêu sản phẩm còn quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề môi trường. Ngoài ra, thực trạng chế biến còn thô, chưa sâu dẫn đến kéo giảm hiệu quả kinh tế.

Tán thành những ý kiến đại biểu nêu ra về hạn chế trong ngành nông nghiệp, Thủ tướng chỉ rõ, việc phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. “Thiếu thành phần doanh nghiệp thì khó hình thành nền sản xuất lớn của nông nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, trừ một số nhỏ có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, bình quân 38% năng suất lao động bình quân cả nước. Chỉ có 5% số doanh nghiệp được cấp tiêu chuẩn VietGap và tương đương.

Thông tin về kết quả 1 cuộc điều tra: “Người Việt Nam ăn thiếu rau củ quả, tỷ lệ ăn bột còn rất cao”; cho rằng đây là điều rất bất cập bởi Việt Nam là quốc gia có rất nhiều rau củ quả, Thủ tướng nhấn mạnh đến yếu tố thị trường, trước hết là thị trường trong nước đầy tiềm năng, gần 100 triệu dân được sử dụng thực phẩm sạch, cải thiện sức khỏe người dân.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hiện tượng bất cập khác như: Phá rừng làm cây công nghiệp; đất đai rộng lớn nhưng tổ chức sản xuất còn nhiều vấn đề. Thủ tướng cũng quán triệt quan điểm lên án mạnh mẽ và yêu cầu xử lý nghiêm tất cả các tổ chức, cá nhân làm thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tiêu thụ ra thị trường.

10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15

Từ nhận định đó, Thủ tướng đưa ra một tầm nhìn và mục tiêu phát triển cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời đại 4.0: Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Thủ tướng đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới; là một trung tâm xúc tiến thương mại nông sản toàn cầu.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng chỉ rõ “vấn đề cốt lõi vẫn là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư cho ngành nông nghiệp”. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57, đặc biệt là khắc phục tình trạng chỉ chú trọng hỗ trợ đầu vào là chính mà chưa hỗ trợ đầu ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai, ổn định quỹ đất; cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục về thuế. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thúc đẩy cạnh tranh, hiệu quả theo cơ chế kinh tế thị trường; trong đó chú ý đến 3 lĩnh vực sản xuất đứng vào tốp 5 của thế giới, đó là rau củ quả, thủy hải sản, dược liệu và một số mặt hàng thế mạnh khác như tôm, gạo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đổi mới cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp từng bước chủ động về thị trường; đặc biệt quan tâm đến thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU…

Một trong những vấn đề mới được Thủ tướng chỉ đạo lần này là nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm…

Tại Hội nghị, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, nỗ lực chung sức cùng Chính phủ và người dân đưa nông sản Việt Nam vươn ra biển lớn.

Theo QUANG VŨ - CHU HÙNG (TTXVN)