Thủ tướng Việt Nam và Lào đồng chủ trì Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước

07/01/2024 - 15:16

Thủ tướng Việt Nam và Lào nhấn mạnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cam kết, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Quang cảnh Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

 

Sáng 7/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào.

Phiên họp tập trung trao đổi, thống nhất các nội dung đánh giá kết quả triển khai thực hiện trong năm qua, nhất là các vấn đề hai bên đã giải quyết dứt điểm, các công việc còn tồn đọng, hướng xử lý cũng như các nhiệm vụ, định hướng mới trong năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone nhấn mạnh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ quán triệt sâu sắc chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, hai nước đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, mang lại nhiều thành tựu trong hợp tác trên các lĩnh vực, nhiều kết quả nổi bật rất đáng ghi nhận, góp phần cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Quan hệ chính trị ngày càng tin cậy, gắn bó, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Ủy ban liên Chính phủ do hai Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp tục phát huy hiệu quả, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Năm 2023, hai Bên đã nỗ lực, hoàn thành 13 nhóm nhiệm vụ đề ra tại Kỳ họp 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào.

Hợp tác quốc phòng, an ninh chặt chẽ, thực hiện tốt việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện; phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia.

Các bộ, cơ quan hai bên tích cực, chủ động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư được quan tâm, thúc đẩy. Hiện có 245 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD.

Năm 2023, vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào là 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,75 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã đóng góp thuế và nghĩa vụ tài chính khác trong 5 năm trở lại đây khoảng 200 triệu USD/năm; lũy kế từ 2015 đến nay khoảng 1,7 tỷ USD; đóng góp 150 triệu USD cho công tác an sinh xã hội.

Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Doanh nghiệp Lào được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%.

Hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025. EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất 2.689 MW.

Nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương hai nước, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm tại một số dự án trọng điểm được kịp thời tháo gỡ dứt điểm.

Hai bên đã khánh thành và bàn giao, đưa vào khai thác sân bay Nọng Khang từ tháng 5/2023; tìm ra hướng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với dự án muối mỏ kali của Vinachem; xử lý xong vấn đề chồng lấn diện tích tô nhượng tại dự án nông nghiệp của Tập đoàn Thaco và tại dự án khai thác bauxite và chế biến alumine của Tập đoàn Việt Phương; hoàn thành đàm phán và thỏa thuận về giá mua bán điện từ nhà máy thủy điện Xekaman 3…

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hợp tác giữa các địa phương hai nước, đặc biệt ở các địa phương giáp biên, tiếp tục có hiệu quả, đóng góp vào hợp tác chung giữa hai nước. Hai bên hỗ trợ, giúp đỡ nhau một cách hiệu quả trên các diễn đàn hợp tác đa phương quốc tế và khu vực; tích cực phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt nhất cho việc Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024.

Về trọng tâm hợp tác năm 2024, hai Bên thống nhất tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam-Lào và kết quả cuộc gặp Người đứng đầu ba đảng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen; tập trung thực hiện tốt các Tuyên bố chung và thỏa thuận ký kết tại Kỳ họp 46.

Hai bên tăng cường thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào; duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác; tổ chức có hiệu quả các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với nhiều hình thức linh hoạt; cải tiến và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện.

Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư-thương mại Việt Nam-Lào.

Tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng của Lào; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc tại các dự án hợp tác, đầu tư.

Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình mới.

Thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 từ 10-15% so với năm 2023.

Tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, nghiên cứu tư duy mới, cách làm mới trong việc triển khai kết nối giao thông hai nước, huy động nguồn lực, tăng cường tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt Vũng Áng-Vientiane, đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane; coi nông nghiệp và phát triển nông thôn một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Hai bên tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành 1.120 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào.

Hai bên thống nhất triển khai các giải pháp đẩy mạnh kết nối du lịch giữa hai nước và ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia “Một hành trình, Ba điểm đến."

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác hiệu quả, thực chất trên các lĩnh vực. Chú ý công tác tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ.

Hai Chính phủ, các bộ, cơ quan chức năng hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và khu vực. Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực, hiệu quả để Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024, AIPA 45 và các hội nghị cấp cao khác.

Kết luận tại Kỳ họp, hai Thủ tướng nhấn mạnh sẽ quyết liệt tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận, cam kết, tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Hai bên tin tưởng rằng thành công của Kỳ họp sẽ tạo động lực mới giúp quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, tin cậy, hiệu quả, góp phần không ngừng củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời gian tới./.

Theo TTXVN/Vietnam+