Tại bờ kè đường Bùi Văn Danh (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), không khí đã bắt đầu nhộn nhịp với những bông hoa màu sắc rực rỡ được các tiểu thương bày bán tại đây. Những hàng hoa giấy, hoa dừa… với nhiều màu sắc khác nhau như đang tô điểm cho con đường thêm phần rực rỡ. Nhiều người đến sớm để tìm mua cho mình những chậu hoa đẹp.
Còn bên bờ kè nối cầu Duy Tân với cầu Hoàng Diệu, tấp nập xe vận chuyển mai hay những cây bon-sai với nhiều kích cỡ khác nhau được các nhà vườn trưng bày tại đây. Nhiều cây mai “khủng” bắt đầu xuất hiện, tạo sức hút hấp dẫn với những người yêu mai. Những cây bon-sai được uốn đẹp mắt với nhiều hình dáng và chủng loại khác nhau, tạo nên sự đa dạng và phong phú, nhiều người không nỡ rời đi.
Trên đường Lê Triệu Kiết (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), những cây mai được bày bán ít và nhỏ hơn, nhưng sau khi lặt lá, đang bắt đầu khoe nụ. Tuy nơi đây ít trưng bày nhiều cây cảnh nhưng có sức hút riêng bởi những gian hàng “đồ cổ”, “đồ xưa” được bày bán rất nhiều. Nào là dao, mắt kính, đồng hồ hay là những chén, dĩa với đa dạng màu sắc và kiểu dáng.
Ông Lê Văn Gần (Hai Gần, ngụ ở phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) Tết này bước sang tuổi 77. Ông là một tiểu thương buôn bán đồ xưa hơn 20 năm. Những mặt hàng của ông bày bán rất đa dạng, nhiều chủng loại khác nhau, từ tượng Phật, đĩnh đồng hương, lư hương, bàn ủi… cho đến những vật dụng bình dị trong cuộc sống hàng ngày, như: Chén, dĩa, đũa… với nhiều đồ lớn nhỏ khác nhau, tạo sức hút cho những tín đồ mê đồ xưa, đồ cổ. Khách đi chợ có thể ngắm nghía thoải mái các mặt hàng mà không bị phàn nàn. Thậm chí, khách hàng có nhu cầu tìm hiểu lai lịch, xuất xứ món đồ bán tại đây đều được ông Hai Gần nhiệt tình giải thích.
Điểm nhấn ở gian hàng của ông Hai Gần là 2 bức tranh trang trí để bàn với chữ “Phúc”, “Lộc” hay những tượng đá phong thủy, nhiều món đồ có xuất xứ vài chục đến cả trăm năm, thế hệ trẻ hôm nay chưa từng nhìn thấy. Ông Hai Gần kể, lúc trước buôn bán cây kiểng nhưng không có duyên với nghề này nên việc buôn bán không thuận lợi, đành chuyển qua nghề buôn bán đồ cổ, đồ xưa.
“Lúc đầu, mới bước vào nghề rất khó khăn, vì rất ít người chơi nên tìm mua những món đồ cổ, đồ xưa rất khó, cộng thêm thiếu kinh nghiệm. Tôi thường đến những quán cà phê, vừa ngồi uống, vừa hỏi thăm những người ở đó xem có ai bán không. Ngày qua ngày, tôi rong ruổi qua nhiều nơi, có khi vài tháng mới về nhà một lần để tìm mua những món đồ độc lạ, rồi tích lũy ngày qua ngày. Khách hàng mua bán với tôi đa phần là khách quen. Thường thì những món đồ được bày bán đều là của dân sưu tầm. Nhiều người tìm đến tôi với mục đích mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sưu tầm và chơi đồ cổ, đồ xưa” - ông Hai Gần chia sẻ.
Hiện nay, những món đồ cổ không còn nhiều, đa phần là những món đồ giả cổ, đồ xưa. Không chỉ người có tuổi, nhiều bạn trẻ đến đường Lê Triệu Kiết để tìm mua những món đồ độc lạ mang về trang trí nhà cửa hoặc đeo lên người nhằm thay đổi phong thủy đầu năm mới. Những khách hàng kinh doanh quán ăn, cà-phê, nhà hàng, khách sạn… cũng tìm đến để mua đồ trang trí, tạo phong cách ấn tượng cho khách. Nhiều chủ khu du lịch sinh thái cũng tìm đến để mua những món đồ cổ độc, lạ, mang về trang trí nhằm tạo điểm nhấn trong mắt du khách...
Vào những ngày cuối năm, ai cũng tất bật với công việc cơ quan, gia đình nhưng họ vẫn không quên tìm đến chợ hoa, chợ đồ cổ, để mua cho mình những bông hoa, cây cảnh hay những món đồ độc, lạ trang trí cho ngôi nhà thêm ấn tượng, tạo nên sự đa dạng và phong phú những ngày xuân.
|
HÀ PHÚC