Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

15/05/2025 - 07:44

 - “Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đạt 100%), các cơ quan, đơn vị phải quán triệt, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu cần ưu tiên tập trung lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện”- Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị.

Đồng chí Hồ Văn Mừng chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Giám đốc Sở Tài chính Phạm Minh Tâm cho biết, Kế hoạch vốn năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 9.903 tỷ đồng. Tỉnh An Giang thực hiện giao hơn 10.145 tỷ đồng (cao hơn 241 tỷ đồng). Kết quả giải ngân đến hết tháng 4/2025, cả tỉnh đạt hơn 1.294 tỷ đồng. Con số này đạt 13% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 12,76% kế hoạch vốn tỉnh giao, nhưng lại thấp hơn 14,9% so cùng kỳ năm 2024, thấp hơn 2,49% so số ước giải ngân trung bình 4 tháng đầu năm 2025 của cả nước. Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh giải ngân 121,6 tỷ đồng, đạt 12,7%. Trong tổng số 22 chủ đầu tư có sử dụng kế hoạch đầu tư công năm 2025, chỉ 10 chủ đầu tư có tỷ lệ cao hơn bình quân chung của tỉnh, 12 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước Phước nhấn mạnh, Chính phủ, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong thực hiện, do đó yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư phải nắm sát tình hình thực hiện từng dự án, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên. Nhất là đối với khó khăn liên quan thủ tục, bồi hoàn, nguồn vật liệu, từng chủ đầu tư phải chủ động, rà soát kịp thời đôn đốc, đánh giá kỹ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, để có giải pháp thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất; kịp thời báo cáo vướng mắc, kiến nghị xử lý.

Qua kết quả giải ngân, UBND tỉnh biểu dương 4 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước (huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên, TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn) và Ban Quản lý dự án tỉnh (cho riêng dự án cao tốc). Phê bình 12 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh và chưa giải ngân. Thời gian tới, sở, ban, ngành, địa phương phải có kế hoạch, kịch bản, giải pháp giải ngân đạt mục tiêu 100%. Đặc biệt, tăng cường lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. “Người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể, để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư với sở, ban, ngành. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện phải tăng cường kiểm tra thường xuyên, hàng tuần việc thực hiện giải ngân, tiến độ dự án. Phải xây dựng kế hoạch chi tiết của từng dự án, rõ mốc thời gian, lộ trình cụ thể” - đồng chí Hồ Văn Mừng yêu cầu.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư kiểm tra lại việc thực hiện thủ tục, hồ sơ, quy định pháp luật. Địa phương, đơn vị phải tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực chủ đầu tư trong giải ngân vốn đầu tư công. Đây là cơ sở để xem xét, bố trí cán bộ thời gian tới. Để đảm bảo tính liên tục, nhất quán trong quản lý, không để đình trệ, gián đoạn, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tỉnh khẩn trương nghiên cứu, triển khai công tác chuyển tiếp quản lý dự án, kế hoạch đầu tư công theo 3 giai đoạn: Trước, trong và sau khi sắp xếp, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

UBND tỉnh yêu cầu, chủ đầu tư phải thường xuyên, liên tục đôn đốc nhà thầu triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng thắng mưa” “làm xuyên lễ, xuyên Tết”… Phải thực hiện đạt mục tiêu quý II/2025 giải ngân vốn đầu tư công 40%, quý III/2025 giải ngân 70%, năm 2025 đạt 100%.

HẠNH CHÂU