Quang cảnh Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số, ngày 26-6-2020. Ảnh: TTXVN
Bài viết khẳng định từ khi thành lập ngày 8-8-1967, hàng năm các nước thành viên ASEAN kỷ niệm Ngày ASEAN (8-8) để đánh giá chặng đường phát triển và triển vọng tương lai của tổ chức khu vực này. ASEAN đóng vai trò trung tâm trong đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng giữa lúc tình hình khu vực và toàn cầu có nhiều biến động.
Được thành lập vào năm 1967 tại Bangkok, Thái Lan với việc ký kết Tuyên bố ASEAN giữa 5 thành viên sáng lập gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, ASEAN hiện gồm 10 thành viên thông qua kết nạp các thành viên Brunei (1984), Việt Nam (1995), CHDCND Lào và Myanmar (1997) và Campuchia (1999) - mở rộng phạm vi hoạt động của ASEAN ra toàn bộ Đông Nam Á, chuyển đổi khu vực từ sự đối đầu, chia rẽ của thời kỳ Chiến tranh Lạnh sang giai đoạn mới của đối thoại, tin cậy và thống nhất.
Việc ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976, thành lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 1994 và Khu vực không vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ) năm 1995 đã củng cố vị thế của ASEAN là không gian của hòa bình, ổn định và hợp tác. Sự ra đời của Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 cũng như việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với các nền kinh tế chủ chốt như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã mang lại sự thịnh vượng và phát triển cho ASEAN, nâng tầm Đông Nam Á trở thành một trong những khu vực kết nối và năng động về kinh tế nhất trên thế giới.
Năm 2015 đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ASEAN với việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12. Cộng đồng ASEAN thể hiện sự thống nhất về chính trị, hội nhập kinh tế và trách nhiệm xã hội chung của Hiệp hội và ASEAN trở thành hình mẫu cho hợp tác khu vực trên thế giới. Các cơ chế do ASEAN điều phối đã và đang thu hút sự tham gia rộng rãi của nhiều nước và được các nước lớn đánh giá cao. Đến năm 2019, ASEAN gồm khoảng 650 triệu dân với tổng GDP hơn 3.200 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại hơn 3.000 tỷ USD.
Là một quốc gia thành viên, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp tích cực và cụ thể cho ASEAN. Ngay sau khi gia nhập vào năm 1995, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các thành viên khác hướng tới hiện thực hóa giấc mơ về một ASEAN bao gồm tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào ASEAN, bao gồm thể chế hóa ASEAN thông qua Hiến chương ASEAN (2008), xây dựng lộ trình cho Cộng đồng ASEAN (2009-2015), xây dựng các tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 và sau năm 2025, thực hiện các cam kết của Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, lần thứ 10 và hiện đang là Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài trong các sáng kiến tiên phong như mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang phát triển.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nhìn nhận ASEAN thông qua 3 góc độ chính:
Thứ nhất, ASEAN là nền tảng để Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại duy trì môi trường bên ngoài thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam và các thành viên ASEAN đã chung tay xây dựng một khu vực Đông Nam Á hữu nghị, hòa bình và không có xung đột. Thông qua tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam đã nâng tầm vị thế quốc gia ở khu vực và toàn cầu. Tư cách thành viên ASEAN là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của Việt Nam nhằm hình thành các khuôn khổ hợp tác như quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với tất cả các nước láng giềng, các cường quốc và các đối tác quan trọng khác, cũng như góp phần hình thành vai trò của Việt Nam tại các thể chế, cơ chế kinh tế quan trọng như APEC, ASEM, WTO, CPTPP, EVFTA,...
Thứ hai, ASEAN là cầu nối để Việt Nam huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển của đất nước, bao gồm các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông. ASEAN tạo cơ hội mở, minh bạch, dựa trên luật định cho Việt Nam và các nước khác trong và ngoài khu vực tham gia đối thoại và đan xen các lợi ích chiến lược. Trong quan hệ với các nước lớn, hầu hết các nước vừa và nhỏ như Việt Nam tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt đều có thể tận dụng vai trò của ASEAN như một bên trung gian tin cậy, trung thực và hòa giải công bằng để phát huy lợi thế riêng và thu hút sự chú ý của quốc tế đối với các vấn đề không phải dưới góc độ riêng lẻ mà theo một mặt trận thống nhất.
Thứ ba, thông qua hội nhập ASEAN, Việt Nam tăng cường chính sách ngoại giao đa phương. Việc Việt Nam trở thành thành viên ASEAN mở đường cho sự thành công trên các cương vị khác như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021), nước chủ nhà APEC (2006, 2017), v.v. ASEAN góp phần chuẩn bị cho Việt Nam những điều kiện cần thiết để chủ động tham gia thiết lập các “quy tắc cuộc chơi” trong quan hệ quốc tế và khu vực nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu hoặc đại dịch COVID-19.
Về vấn đề Biển Đông, Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 tổ chức vào ngày 26-6-2020 đã khẳng định tầm quan trọng của việc “duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, “tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau”, “đối thoại và hợp tác” và “ủng hộ trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật định, tuân theo luật pháp quốc tế”. Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2020 kêu gọi các bên tuân thủ “việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả” DOC và “duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC”. Chủ tịch ASEAN 2020 cũng khẳng định một cách đúng đắn rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở để “xác định các quyền trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp trên các vùng biển” và “đề ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương”.
Các tuyên bố này là lời phản bác kịp thời đối với chủ nghĩa cơ hội và sự hung hãn ở Biển Đông và với cả những ai lợi dụng mối bận tâm của khu vực và toàn cầu đối với COVID-19 để thực hiện các hoạt động bành trướng, đe dọa hòa bình, ổn định và vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 là minh chứng cho sự đoàn kết, gắn kết, phản ứng kịp thời và khả năng nhanh chóng đạt được sự đồng thuận cả về chiến lược và hành động cụ thể. ASEAN không chỉ duy trì đường lối của Hiệp hội mà còn thể hiện sự linh hoạt trong việc giải quyết sớm và đối mặt với các vấn đề và thách thức mới. Trong tương lai gần, trước biến động của tình hình khu vực có thể diễn ra, sự thống nhất, hợp tác, đoàn kết và hội nhập của ASEAN sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai của khu vực.
Sau hơn 5 thập kỷ, ASEAN đã đạt được những thành công to lớn với tư cách là một tổ chức khu vực. Trong bối cảnh tình hình toàn cầu và khu vực có nhiều biến động và ngày càng thay đổi nhanh, ASEAN phải kiên định cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, kiên cường và vững mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, ASEAN cần tăng cường đoàn kết trên cơ sở lợi ích chung và tăng cường các khuôn khổ hợp tác hiện có. Hiệp hội phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên và nhanh chóng thích ứng với các xu thế mới như cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch bệnh, ...
Ngoài ra, ASEAN cần củng cố và tiếp tục tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội trong khu vực. Một ASEAN thống nhất đóng vai trò rất quan trọng để đạt được mục tiêu này, cũng như nhằm duy trì các mối quan hệ cân bằng và cùng có lợi với các đối tác lớn.
Đối với mối quan hệ song phương giữa ASEAN và Nam Phi, cả 2 bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ vì lợi ích chung của người dân ASEAN và Nam Phi. Năm 2020, với tất cả nỗ lực của cả hai bên, ASEAN mong muốn chứng kiến Nam Phi gia nhập TAC, giúp thúc đẩy quan hệ 2 bên đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Tháng 6-2020, với việc Quốc hội Nam Phi đồng ý cho phép Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Nam Phi (DIRCO) tiến hành các thủ tục cần thiết để đất nước Cầu Vồng gia nhập TAC, hai bên sẽ có cơ hội hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn song phương và đa phương, vì lợi ích chung.
Theo ĐÌNH LƯỢNG (Báo Tin Tức)