Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashinyan phát biểu trong buổi tọa đàm: Việt Nam - Armenia tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư . Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Tại buổi gặp gỡ, thay mặt lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam-Armenia và các hội viên, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Armenia Nguyễn Văn Thuận bày tỏ vui mừng và vinh dự khi được gặp Thủ tướng Nikol Pashinyan và Phu nhân.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, trong lịch sử phát triển, hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân…, trong đó có sự đóng góp tích cực của những người Việt Nam từng sinh sống, học tập và làm việc tại Armenia. Nhiều người trong số này xác định Armenia là quê hương thứ hai của mình, đồng thời tìm được nhiều người bạn Armenia thân thiết, yêu mến đất nước Việt Nam.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Armenia Nguyễn Văn Thuận mong muốn chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nikol Pashinyan và Phu nhân sẽ đặt dấu mốc mới trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Armenia.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Armenia Nguyễn Văn Thuận đã đề xuất một số nội dung nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu hữu nghị hợp tác giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước thời gian tới như việc thành lập Hội hữu nghị Armenia-Việt Nam, tập hợp những người Armenia quan tâm, có tình cảm với đất nước Việt Nam, từ đó có thêm nhiều hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, rất nhiều người Việt Nam từng được học tập tại Đại học Quốc gia Yerevan và mong muốn được quay trở lại đây vào năm nay, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập trường.
Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, để tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, cần có sự kết nối giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Armenia. Đồng thời, việc doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác làm ăn cũng sẽ góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, được ký kết ngày 29/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, từ đó tăng cường quan hệ hợp tác, nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Armenia.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bày tỏ xúc động và vui mừng khi được biết có đông đảo người Việt Nam từng học tập, làm ăn, sinh sống tại Armenia. Hiện nay, tại Armenia đang có cộng đồng người Việt Nam với hơn 1 nghìn người. Đây chính là những đại sứ của Việt Nam tại Armenia, mang truyền thống văn hóa lịch sử truyền thống tốt đẹp của Việt Nam gắn kết với Armenia, bởi quan hệ giữa con người với con người luôn là nền tảng vững chắc nhất của hai nước.
Khẳng định quan hệ chính trị của hai nước đang rất tốt đẹp, Thủ tướng Nikol Pashinyan bày tỏ hy vọng, thời gian tới, quan hệ kinh tế của hai nước cũng sẽ có bước phát triển tương xứng với mối quan hệ chính trị. Trong lĩnh vực giao lưu nhân dân, Thủ tướng Nikol Pashinyan cho rằng, Hội hữu nghị Việt Nam - Armenia chính là cầu nối quan trọng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước bằng việc tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả. Thủ tướng đề nghị Hội tiếp tục đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Trân trọng mời các cựu lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại Đại học Quốc gia Yerevan thăm lại trường vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, Thủ tướng cho biết, hai bên sẽ tích cực thúc đẩy chương trình trao đổi sinh viên thời gian tới.
*Trước đó, cùng ngày Thủ tướng Nikol Pashinyan đã có cuộc gặp gỡ với một số doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu. Ảnh: Minb Quyết/TTXVN
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định, quan hệ kinh tế giữa hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Armenia như: Máy móc, thiết bị, nguyên liệu ,bông, nguyên phụ liệu ngành dệt may. Trong khi đó, Việt Nam có khả năng đẩy mạnh các mặt hang xuất khẩu sang Armenia như: thủy sản, nông sản, hàng điện tử, dệt may…
Theo Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, hiện nay, môi trường đầu tư của Armenia đã thay đổi theo hướng tích cực, cởi mở với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ số. Armenia quan tâm đến lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, thiết bị quân sự. Bên cạnh đó, ngành nông sản của hai nước đều phát triển với những sản phẩm đặc thù, do đó có nhiều cơ hội hợp tác. Thủ tướng cũng đề cập đến cơ hội hợp tác trong ngành du lịch. Thủ tướng nhấn mạnh, Armenia đang triển khai kế hoạch thực hiện đơn giản hóa thủ tục cấp visa, tiến tới miễn thị thực đối với công dân Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý đến khả năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dệt may, các sản phẩm rượu, cồn…
Theo THU PHƯƠNG (Báo Tin Tức)