Thực hiện Thông tư 29: Nhiều trường học dừng dạy thêm, học thêm
13/02/2025 - 18:04
Ngày 14/2, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực.
AA
Sau Tết Nguyên đán, phần lớn các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ngừng dạy thêm ở trường.
Tại Nghệ An, việc dừng dạy thêm, học thêm trong các nhà trường đã được thực hiện nghiêm túc từ sau Tết Nguyên đán. Song song đó, các nhà trường cũng đang bàn giải pháp để tổ chức phụ đạo, ôn tập cho học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp.
Nhiều trường học dừng dạy thêm
Trước đây, ngoài học chính khóa buổi sáng trên trường, thì 2 buổi chiều khác và 6 buổi chiều tối em Lưu Hà Linh, học sinh lớp 8 Trường Trung học Cơ sở Lê Mao, thành phố Vinh còn đi học thêm ở trường và nhà cô giáo. Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán, Linh chỉ học 2 buổi chiều chương trình tiếng Anh tăng cường, còn lại các buổi học thêm đều được nghỉ.
“Bây giờ các cô giao bài tập về nhà và em sẽ phải tự tìm hiểu thêm kiến thức từ trên mạng, từ bạn bè để bù đắp thêm kiến thức cho mình”, em Linh cho biết.
Từ sau Tết, Trường Trung học Cơ sở Nghi Kim, thành phố Vinh không còn tổ chức dạy thêm cho học sinh. Sau khi kết thúc chương trình học kỳ I, trường đã tổ chức họp Hội đồng nhà trường triển khai quán triệt Thông tư 29 tới toàn thể giáo viên nghiêm túc thực hiện không dạy thêm trong và ngoài nhà trường ngoại trừ 3 trường hợp (phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi vào lớp 10 với tinh thần tự nguyện của học sinh).
Từ trước tới nay, không chỉ ở trường Trung học Cơ sở Nghi Kim mà trên toàn thành phố, việc phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi nhà trường đều không thu tiền. Việc dừng dạy thêm thời điểm này, theo lãnh đạo nhà trường sẽ có những khó khăn và lo lắng. Bởi lẽ, học sinh của trường, lâu nay ngoài học ở trường thì số còn lại (nếu có) cũng chủ yếu học thêm ở nhà do giáo viên trong trường đứng lớp. Đặc biệt là với các em học sinh lớp 9 năm học này thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cô giáo Lê Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nghi Kim cho biết: “Để duy trì chất lượng dạy và học ở trường đồng thời thực hiện nghiêm túc Thông tư 29, chúng tôi yêu cầu giáo viên tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi thêm nội dung kiến thức. Giáo viên ra đề cương các dạng bài tập, hướng dẫn học sinh làm, sau đó chữa cụ thể từng bài, từng phần để các em nắm vững hơn. Ngoài ra cũng động viên giáo viên trước mỗi kỳ kiểm tra định kỳ và học kỳ, chuẩn bị ôn thi lên lớp 10 dạy miễn phí cho học sinh một số buổi”.
Sau Tết Nguyên đán, phần lớn các trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông tại tỉnh Nghệ An đã ngừng dạy thêm ở trường. Nhiều lãnh đạo nhà trường cho biết, điều này nhằm thực hiện Thông tư 29. Việc dạy thêm đối với học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc học sinh cuối cấp cũng chưa có phương án khả thi vì đang chờ hướng dẫn.
Ở bậc Trung học phổ thông, trong tuần này, nhiều trường cũng đã dừng việc dạy thêm, học thêm. Tại Trường Trung học phổ thông Thái Hòa, thị xã Thái Hòa, trong cuộc họp chi bộ đầu năm trường đã bàn đến việc kêu gọi giáo viên trong toàn trường tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh cuối cấp. Trước mắt sẽ vận động những giáo viên đang dạy lớp 12.
Nhiều trường tại Nghệ An động viên giáo viên ôn tập miễn phí cho học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp.
Về việc dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thầy Lưu Công Lĩnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thái Hòa cho rằng sẽ dẫn đến những khó khăn cho nhà trường, nhất là trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện Thông tư 29 là phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhằm “định hướng và phát huy năng lực tự học của học sinh và nâng cao chất lượng các tiết dạy học”.
Vì thế, ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường sẽ siết chặt hơn nữa chất lượng dạy học ở các tiết học chính khóa, tăng cường hướng dẫn về việc tự học cho học sinh ở nhà. Với học sinh cuối cấp, nhà trường sẽ bàn phương án để tổ chức dạy học miễn phí với thời lượng theo như quy định.
Trường miền núi dạy thêm miễn phí cho học sinh
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Nga My, huyện Tương Dương, thầy Nguyễn Trọng Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm nay trường có 105 học sinh lớp 9. Với đặc thù của miền núi nên chỉ có 70% học sinh thi vào trung học phổ thông, 30% còn lại đi học nghề. Trường thực hiện dạy học 2 buổi/1 ngày, buổi sáng dạy chính khóa và buổi chiều phụ đạo thêm cho học sinh. Lâu nay, nhà trường không tổ chức thu tiền dạy thêm, học thêm nên dù Thông tư 29 có triển khai thì không ảnh hưởng đến việc dạy và học của trường.
“Với học sinh lớp 9, nhà trường không vận động phụ huynh đóng góp mà tiết kiệm nguồn chi để hỗ trợ thêm cho giáo viên tham gia bồi dưỡng cho học sinh ôn thi chuyển cấp. Tôi cũng kiến nghị để việc triển khai Thông tư 29 có hiệu quả cần đi cùng với đổi mới kiểm tra, thi cử theo hướng đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của người học, đánh giá khả năng tư duy chứ không phải là kỹ thuật giải bài, nhất là đối với học sinh miền núi”, thầy Hảo kiến nghị.
Trường Trung học Phổ thông Quế Phong, huyện Quế Phong có gần 1.800 học sinh, trong đó có gần 600 học sinh lớp 12. Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025, nhà trường quyết định vẫn tổ chức dạy thêm cho học sinh dù Thông tư 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2.
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Hồng Tư, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho học sinh, chúng tôi vận động giáo viên trong trường vẫn duy trì dạy thêm cho học sinh vào các buổi chiều. Nhà trường cũng xác định, việc dạy học sẽ thực hiện miễn phí.
Qua trao đổi, thầy Nguyễn Hồng Tư cũng nói rằng, với đặc thù của huyện vùng núi cao, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên việc giáo viên nhà trường tình nguyện dạy miễn phí cho các em không phải là điều "bất thường". Ở các mùa thi trước, ngoài dạy buổi chiều, giáo viên của trường còn tình nguyện phụ đạo miễn phí cho học sinh vào buổi tối để không làm gián đoạn việc học tập của học trò.
Không chỉ tổ chức dạy miễn phí, Trường Trung học Phổ thông Quế Phong cũng điều chỉnh một số lịch học. Dự kiến, buổi sáng sẽ được rút ngắn từ 5 tiết xuống 4 tiết. Các môn học như thể dục, hoạt động trải nghiệm sẽ được chuyển sang buổi chiều. Ngoài ra, nhà trường cũng đang đưa ra phương án học chính khóa 1 buổi vào buổi chiều để học sinh được nghỉ học thứ 7 và các em ở xa sẽ có thêm thời gian để về nhà.
“Hơn 1.000 học sinh của trường chúng tôi đang trọ học xa nhà. Vì thế, nếu để các em nghỉ quá nhiều buổi chiều sẽ rất khó quản lý. Vì thế, chúng tôi sẽ điều chỉnh lịch học để hai buổi các em vẫn được sinh hoạt, học tập ở trường”, thầy Tư cho biết thêm.
Trước câu hỏi làm sao để Thông tư 29 về dạy thêm học thêm đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả? nhiều nhà quản lý giáo dục ở Nghệ An cũng đề xuất, ngành Giáo dục cần phải đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá, thi cử đổi mới một cách thực chất, giảm áp lực. Nếu không thay đổi mà vẫn tiếp cận kiểm tra, đánh giá dựa chủ yếu vào nội dung, ghi nhớ kiến thức thì nhu cầu học thêm và lạm dụng học thêm vẫn chưa thể dứt điểm.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo giáo viên "sống" được bằng lương, trả mức lương tương xứng để giáo viên yên tâm với nghề, không "chân trong, chân ngoài" dạy chính, dạy thêm.
Đặc biệt, khi việc dạy thêm bị kiểm soát chặt chẽ, học sinh không thể trông chờ vào việc “học thêm để hiểu bài”, mà phải chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Gia đình, nhà trường phải rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự học. Bởi bồi dưỡng năng lực tự học là cách tốt nhất để tạo ra động lực mạnh mẽ cho quá trình học tập, giúp các em phát triển tư duy độc lập, kỹ năng tự nghiên cứu – những yếu tố quan trọng để thành công trong học tập và cuộc sống sau này.
Hiện, nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các trường tuyên truyền, phổ biến toàn văn nội dung Thông tư 29 tới giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh; tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; quản lý giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định; phối hợp theo dõi và kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, đã nhận được nhiều ý kiến của cá nhân, đơn vị và sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: