Thực trạng khai thác cát ở ĐBSCL

09/11/2022 - 03:36

 - Việc khai thác cát quá mức ở vùng ĐBSCL mang đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, thay đổi hình thái sông, gia tăng xâm nhập mặn, cạn kiệt cát sông… Trước thực tế đó, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp Tổng cục Phòng, chống thiên tai và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện dự án “Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL”, góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng, giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.

Hệ lụy từ việc khai thác quá mức

Đoàn khảo sát của dự án “Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL” vừa kết hợp các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tiến hành khảo sát, đo đạc lượng bùn cát từ sông Mekong đổ về ĐBSCL tại khu vực sông Hậu và sông Tiền. Tại đây, các thiết bị hiện đại được thả trực tiếp xuống lòng sông, nhóm chuyên gia cũng chia sẻ những thông tin liên quan về nguồn cát trên sông và cung cấp số liệu về tình trạng sạt lở ở vùng ĐBSCL thời gian qua.

Một điểm khai thác cát ở bờ sông Hậu (An Giang).

Theo đó, trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500ha đất. Trong 3 năm (2018-2020), thiệt hại hơn 200 tỷ đồng do sạt lở tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau và TP. Cần Thơ. Việc thay đổi hình thái sông dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cụ thể, giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,3m, tương đương 90 - 110 triệu m3 bùn cát được khai thác từ lòng sông. Giai đoạn 2008-2016, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 5 - 10m. Từ đó, kéo theo khoảng 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn, 621 điểm sạt lở, tương ứng với 610km trên toàn ĐBSCL.

Đặc biệt, nguồn cát sông sẽ dần cạn kiệt, vì khối lượng cát đổ về ĐBSCL chỉ từ 6,18 - 7 triệu tấn/năm. Trong khi đó, khối lượng khai thác cát từ 28 - 40 triệu tấn/năm, khối lượng cát đổ ra biển khoảng 6,5 triệu tấn/năm. Nếu vậy, vùng ĐBSCL sẽ thâm hụt từ 27,5 - 40 triệu tấn/năm. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2020, khoảng 47,29% diện tích ven biển của ĐBSCL sẽ biến mất vào cuối thế kỷ XXI.

Còn theo báo cáo của Ủy hội sông Mekong công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn trầm tích vào năm 2040. Việc thiếu hụt trầm tích do thủy điện và khai thác cát không bền vững là những nguyên nhân dẫn đến xói mòn đáy sông, kéo theo sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu. Kết hợp với khai thác nước ngầm quá mức và hệ thống đê ngăn lũ trên diện rộng dẫn đến xói mòn bờ biển, xâm nhập mặn, triều cường ngày càng nghiêm trọng.

Xây dựng “ngân hàng” cát

Trong các nguyên nhân gây sạt lở bờ sông và kênh rạch ở ĐBSCL, khai thác cát sông là nguyên nhân quan trọng có thể dẫn tới giảm lượng cát hạ lưu, mất cân bằng cát sông, hạ thấp đáy sông và thay đổi dòng chảy.

Theo ông Trần Tuấn Anh (nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu chẩn trị sông và phòng, chống thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), trong đợt khảo sát mùa khô năm 2022 (tháng 4/2022), kết quả phân tích cho thấy, lượng bùn cát vận chuyển về ĐBSCL vào mùa khô rất hạn chế.

Còn kết quả khảo sát gần đây nhất cho thấy, các mẫu trầm tích đáy thu được ở sông Tiền (đoạn giáp sông Vàm Nao) chủ yếu là cát rất mịn có lẫn tạp chất hữu cơ; còn ở sông Hậu phần lớn là cát mịn lẫn với rất nhiều phù sa.

Khi dự án “Quản lý cát bền vững tại ĐBSCL” được triển khai sẽ góp phần giải quyết 4 vấn đề: Xây dựng cơ sở dữ liệu “ngân hàng” cát cho ĐBSCL; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của khai thác cát, sỏi không bền vững; hướng đến các nhân tố truy cập thông tin về rủi ro và cơ hội của các phương pháp khai thác cát và sỏi; xây dựng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các nguồn vật liệu thay thế cát, sỏi trong phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế…

Từ những thông tin thu thập được từ sông Tiền và sông Hậu sẽ phân loại thành những màu sắc khác nhau. Mỗi màu tương ứng với sự xói mòn và hạ thấp của lòng sông, qua đó đánh giá được mức độ bất ổn hoặc nguy hiểm của từng nơi.

Các chuyên gia lấy mẫu, đo lượng bùn cát ở nhiều vị trí trên sông Hậu, sông Tiền.

Theo ông Hà Huy Anh (Quản lý quốc gia dự án “Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL”), hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay không bền vững. Tuy nhiên, việc ngưng khai thác cát ngay lập tức là không khả thi, bởi cát sông là đầu vào quan trọng cho nền kinh tế của vùng. Bên cạnh đó, việc phát triển các vật liệu thay thế cát sông đang còn rất non trẻ, phổ biến nhất chỉ có cát nghiền hoặc cát nhân tạo…

“Tuy nhiên, vật liệu thay thế cát sông vẫn chưa được đưa vào danh mục vật liệu có thể sử dụng cho các công trình được đầu tư bằng vốn nhà nước. Hơn nữa, nguồn vật liệu thay thế cát sông ở miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng rất hạn chế, nên cần giải pháp về công nghệ xây dựng để giảm thiểu lượng cát tiêu thụ trên 1 đơn vị diện tích mặt sàn, song song với phát triển vật liệu thay thế.

Chính vì thế, cần một khoảng thời gian và sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy nghiên cứu,  phát triển vật liệu thay thế cát sông ở Việt Nam. WWF-Việt Nam đang cùng tư vấn quốc tế thực hiện nghiên cứu về vật liệu thay thế cát sông bền vững và sẽ công bố báo cáo vào cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2022” - ông Hà Huy Anh giải thích. 

Theo số liệu từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL có khoảng 621 điểm sạt lở, với tổng chiều dài là 610km. Trong đó, 127 điểm đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài hơn 127km; 137 điểm nguy hiểm, với chiều dài 193km. Tỉnh An Giang và Đồng Tháp là một trong những địa phương có tổng số điểm sạt lở nghiêm trọng cao nhất khu vực ĐBSCL.

 

ÁNH NGUYÊN