Thuốc lá điện tử: Cấm vẫn bán công khai

20/01/2025 - 07:57

 - Thuốc lá điện tử (TLĐT), được quảng bá như giải pháp thay thế thuốc lá truyền thống, ngày càng phổ biến trên toàn cầu, nhất là trong giới trẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù đã bị cấm, tình trạng mua bán TLĐT vẫn diễn ra công khai hoặc ngấm ngầm, đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Quảng cáo sản phẩm thuốc lá điện tử trên mạng xã hội Zalo

Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15, quyết định cấm sản xuất - kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng cùng các loại khí, chất gây nghiện có hại cho sức khỏe từ năm 2025.

Việc mua bán TLĐT không chỉ xuất hiện ở các cửa hàng trực tuyến mà còn được bày bán tại nhiều cửa hàng nhỏ lẻ. Qua các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Instagram, TikTok, Zalo, người bán dễ dàng quảng bá sản phẩm, tiếp cận người mua, mà không cần giấy phép kinh doanh hay bị kiểm soát về độ tuổi của khách hàng.

Tình trạng bán TLĐT vẫn tiếp diễn do nhiều nguyên nhân. Trước hết, chế tài xử lý chưa đủ nghiêm khắc, dù đã có quy định cấm. Việc áp dụng và thực thi còn hạn chế, nhiều trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ, không tạo được sức răn đe. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng TLĐT vẫn còn cao, đặc biệt trong giới trẻ, nhờ hình ảnh được quảng bá là “ít hại hơn”, “thời thượng” và có nhiều hương vị hấp dẫn. Nhiều người sử dụng sản phẩm này vì tò mò hoặc xem như cách thể hiện cá tính. Hơn nữa, lợi nhuận từ kinh doanh TLĐT rất lớn, với giá bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi sản phẩm, nên nhiều người bất chấp quy định để buôn bán.

Anh N.M.T (một người sử dụng TLĐT) cho hay: “Tôi có nghe qua về việc cấm mua, bán, sử dụng TLĐT, nhưng thú thật là TLĐT vẫn được bán rất nhiều trên mạng và cả ngoài tiệm. Tôi chỉ cần đặt hàng trên một trang mạng xã hội, vài giờ sau là có người giao đến tận nơi. Nếu cấm thì nên làm chặt chẽ hơn, vì thực tế tôi vẫn dễ dàng mua được. Hiện tại, tôi thấy cấm mà như không, vì ai muốn mua vẫn mua được.”

Để kiểm soát việc mua bán TLĐT, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cộng đồng và gia đình. Các hình phạt cần được tăng cường và nghiêm khắc hơn, không chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, mà có thể tước giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ hơn trên các nền tảng trực tuyến, phối hợp với các mạng xã hội để gỡ bỏ quảng cáo và bài viết rao bán TLĐT, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, về tác hại của TLĐT cũng rất cần thiết, thông qua các chương trình giáo dục trong trường học và các chiến dịch truyền thông. Ngoài ra, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, sản xuất và phân phối TLĐT để ngăn chặn các sản phẩm tràn lan trên thị trường.

Tình trạng bán TLĐT vẫn diễn ra là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và đặc biệt là giới trẻ. Việc giải quyết vấn đề này không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ phía chính quyền, ý thức của từng cá nhân, mà cần sự chung tay của toàn xã hội để bảo vệ tương lai khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người.

N.T