Thuốc lá - tác nhân gây bệnh hàng đầu ở phổi

20/11/2023 - 06:20

 - Khói thuốc lá là tác nhân gây bệnh ở nhiều cơ quan, đặc biệt là phổi. Hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phổi, cúm; gây ung thư phổi, hen, các bệnh ở đường hô hấp cấp tính và mạn tính.

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính

Hút thuốc có liên quan tới 90% trong tổng số các ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong đó, khí phế thủng hình thành trong thời gian dài khi tiếp xúc thường xuyên với các chất độc. Khí phế thủng làm cho người bệnh thường xuyên có cảm giác thiếu ô-xy, mệt, phải thở bằng bình chứa khí ô-xy. Một dạng khác của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là viêm phế quản mạn tính, triệu chứng đặc trưng là khó thở và nhiều đờm.

Ước tính các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính ở người hút thuốc cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc.

Ung thư phổi

Thuốc lá là nguyên nhân gây nên hơn 90% ca tử vong vì ung thư phổi. Trong 60 năm qua, tỷ lệ ung thư phổi tăng đáng kể, cùng với số lượng  người hút thuốc gia tăng. Trung bình người hút thuốc tăng nguy cơ liên quan tới ung thư phổi từ 5 - 10 lần. Ung thư phổi không phổ biến ở người không hút thuốc. Người hút thuốc khi còn trẻ, hút số lượng nhiều trong thời gian dài càng tăng nguy cơ ung thư phổi hơn.

Hen (suyễn)

Ở người hút thuốc, bệnh hen sẽ dễ bị hơn. Người đã mắc bệnh hen rồi mà còn hút thuốc sẽ bị tăng tiết nhiều đờm, giảm hoạt động của lông mao, dễ bị nhiễm trùng, dễ bị dị ứng và ảnh hưởng tới sự lưu thông khí ở các đường thở nhỏ. Tỷ lệ tử vong vì bệnh hen ở người hút thuốc gấp đôi so với người không hút thuốc.

Các bệnh về hô hấp

Các bệnh về hô hấp cấp tính: Hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, tăng số lần mắc bệnh và làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp cấp tính ở người khỏe mạnh hút thuốc cao hơn người khỏe mạnh không hút thuốc từ 1,5 - 7 lần. Tỷ lệ chết do lao ở nhóm người hút thuốc cao hơn 3 – 5 lần, tỷ lệ chết do cúm và viêm phổi cao hơn từ 1,4 – 2,6 lần.

Các bệnh về hô hấp mạn tính: Hút thuốc làm tổn thương quá trình sinh học, ảnh hưởng đến hoạt động của phế quản và phế nang, hạn chế chức năng phổi ở trẻ em, vị thành niên và giảm chức năng phổi ở người lớn, gây ra các triệu chứng hô hấp quan trọng, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính.

BS VĂN HIỂN TÀI

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang)