Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam về những yếu tố góp phần tạo nên thành công của Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng như định hướng để thương hiệu Việt ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Trong 3 năm trở lại đây, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Thứ trưởng có thể chia sẻ yếu tố nào góp phần tạo nên kết quả trên?
Việt Nam luôn được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022.
Giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21,6% so với năm 2020; năm 2022 đã là 431 tỷ USD tăng 11,1% so với năm 2021 (theo báo cáo của Brand Finance).
Từ kết quả trên, có thể khẳng định giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Để đạt được những kết quả đó trước hết là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ trong hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đã tạo ra uy tín cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng đó là sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp nhằm góp phần gia tăng giá trị và vị trí của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Trong trong 2 năm qua, với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do dịch COVID-19 gây ra, cùng với những xung đột kinh tế, địa chính trị của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường vốn có, doanh nghiệp Việt đã nâng tầm vị thế, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, ở thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các quốc gia có thương hiệu mạnh trên thế giới.
Xin Thứ trưởng chia sẻ rõ hơn về vai trò và các hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia của Chính phủ đã đóng góp như thế nào vào sự gia tăng của giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam?
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng đó, giúp địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa Thương hiệu quốc gia với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm và dịch vụ mạnh sẽ góp phần gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia và ngược lại.
Không chỉ đánh giá ở trong nước, Báo cáo năm 2022 của Brand Finance cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Cụ thể, việc ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 1320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra cơ chế, chính sách thiết thực, góp phần gia tăng giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2030.
Ngoài ra, ngày 08 tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 đến năm 2030. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình. Mặt khác, quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.
Hơn nữa, doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Thời gian tới, Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ tiếp tục có những hoạt động gì để gia tăng giá trị, thưa Thứ trưởng?
Căn cứ vào mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2020 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 đến năm 2030, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các kỳ xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia và Lễ công bố được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.
Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng hệ thống tiêu chí của Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra, tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, nhất là ở thị trường ngoài nước và sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.
Đặc biệt, Bộ sẽ phát động, kêu gọi sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong việc cùng chung tay phát triển Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đúng với ý nghĩa, tầm vóc là chương trình của Chính phủ, vì một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị.
Thưa Thứ trưởng, khi đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ những gì để góp phần nâng tầm hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?
Doanh nghiệp khi tham gia Chương trình và có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia sẽ được sử dụng biểu trưng Thương hiệu quốc gia và hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia trong quản trị kinh doanh và truyền thông thương hiệu (theo Quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu.
Hơn nữa, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế tập trung cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp về xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị, diễn đàn với nhiều chủ đề liên quan đến xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia, đào tạo kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam.
Thực hiện các hoạt động tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường; thiết kế bao bì, sản phẩm và hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia và doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
Đáng lưu ý, trong số đó tập trung tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực, nhằm nâng cao vị thế và giá trị của Thương hiệu quốc gia cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận với khách hàng/ người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Có thể nói, quyền lợi với doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là rất lớn, tuy nhiên thiết thực và vinh dự nhất đó là các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia chính là sản phẩm đại diện cho Việt Nam - một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao – trước cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo TTXVN