Thương lái vẫn là lực lượng chính trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

28/11/2019 - 08:40

 - Nông dân là người làm ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá bán sản phẩm của chính mình, thay vào đó, thương lái sẽ là người định đoạt giá bán sản phẩm.

Nguyên nhân của vấn đề trên là do việc tổ chức thực hiện mô hình chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa được triển khai sâu rộng, nếu có thì kết quả mang lại chưa như mong muốn. Từ đó, nông sản của nông dân làm ra phải nhờ vào lực lượng thương lái mang đi tiêu thụ, vì vậy vấn đề “được mùa” thì “mất giá” tiếp tục diễn ra. “Do cách mua bán như thế nên đời sống của người làm nông nghiệp rất bấp bênh. Nguyên nhân do quá trình sản xuất lợi nhuận không cao hoặc có lợi nhuận thì rất thấp. Thương lái lại là người định đoạt giá trị nông sản, từ đó người làm ra sản phẩm nông nghiệp luôn ở thế bị động” - bà Trần Thị Hai (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) bức xúc.

Vụ hè thu vừa qua, gia đình bà Hai sản xuất 3ha lúa IR 50404. Những tưởng giá lúa như những năm 2017 và 2018, nào ngờ khi vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa IR50404 không “vượt qua nổi” mức 5.000 đồng/kg. Vụ đó, bà Hai thua lỗ mỗi công 1 triệu đồng và trên diện tích 3ha, mức lỗ khoảng 30 triệu đồng. “Lúa giá thấp, muốn bán lúa được phải qua “cò”. Có thể nói, “cò” và thương lái là người định đoạt giá cho hàng nông sản. Trong khi hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, mùa vụ luôn thất bát. Vụ hè thu vừa qua, 1 công lúa chỉ thu hoạch được 450kg, thất mùa mà lại mất giá nên nhà nông bị lỗ kép ” - bà Hai chia sẻ.

Đa số những người làm “cò” lúa đều không có việc làm ổn định nhưng lại rất rành địa bàn ở khu vực nông thôn. Thương lái đã tận dụng triệt để lực lượng này để biết được ai có lúa bán và bán với giá bao nhiêu, chỉ cho thương lái đến mua. Từ đó, một lực lượng trung gian ra đời, công việc hàng ngày là nắm thông tin về thời vụ, thời gian thu hoạch, diện tích sản xuất của từng nông hộ để báo cho lực lượng thương lái. Họ có thu nhập từ tiền hoa hồng của những thương lái và người bán lúa. “Cò” lúa đã trở thành một cái nghề ở nông thôn và trong chuỗi sản xuất lúa, gạo, một tầng nấc trung gian lại xuất hiện, thương lái và người làm nông nghiệp phải mất thêm chi phí cho lực lượng này.

Trước những vấn đề bất cập trên, ngày 15-11 vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học An Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông thủy sản bền vững”. Hội thảo thu hút nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học; các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh tham dự. Đã có 42 tham luận được trình bày tại hội thảo, các tham luận tập trung phân tích, đánh giá thực trạng việc hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung. Qua đó đề cập đến các hạn chế, bất cập và nguyên nhân của việc hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông, thủy sản trong thời gian qua bị đổ vỡ.

Cũng tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã đi sâu phân tích nguyên nhân vì sao trong thời gian qua, việc các DN liên kết với các HTX, THT triển khai mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị không thành công, từ đó đề xuất cách làm hiệu quả. Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ), liên kết là quá trình mà ở đó, DN và nông dân tương tác với nhau qua hợp đồng thu mua sản phẩm. Muốn hợp đồng này thực thi đạt hiệu quả cao thì mỗi bên phải biết chia sẻ lợi ích. Nếu bên nào cũng muốn tối ưu hóa lợi nhuận trong làm ăn thì việc đổ vỡ là điều khó tránh khỏi. “Một liên kết được xem là bền vững khi giữa các bên tham gia thương mại phải hợp tác, liên kết với nhau dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi (win-win). Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ cho một liên kết bền vững là đôi bên phải biết chia sẻ và “chịu đựng” với nhau” - TS Son chia sẻ.

Còn theo ThS Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang, việc hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông, thủy sản bền vững phải được xem là một giải pháp tích cực, đột phá trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Muốn vậy, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, sự cần thiết và lợi ích của việc liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đến các bên tham gia liên kết. Trong liên kết này, DN phải giữ vai trò nhạc trưởng, nông dân là chủ thể quan trọng nhất, phát huy vai trò của HTX nông nghiệp và thương lái trong quá trình vận hành chuỗi liên kết. Đi cùng với đó là đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác giữa DN, HTX và nông dân… Có vậy thì việc triển khai chuỗi liên kết mới bền vững, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do nông dân làm ra.

“Khi thương lái là lực lượng chính trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh mặt tích cực của lực lượng này, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản (nhất là lúc cao điểm của vụ thu hoạch) thì mặt hạn chế của nó là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nông dân, người làm ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá bán nông sản của mình; DN chế biến không chủ động và quản lý được chất lượng của nguồn nguyên liệu đầu vào khi thương lái đứng ra thu mua sản phẩm rồi giao lại” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ khẳng định.                                  

MINH HIỂN