Thương mại điện tử và kinh tế số: Tăng trưởng chưa từng có tiền lệ

17/08/2021 - 10:22

Khi tình trạng phong tỏa trở thành một trạng thái bình thường mới ở nhiều nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng có xu hướng cung cấp và mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến.

Nhân viên làm việc tại một kho hàng của Alibaba tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều năm sau, thế giới có thể sẽ nhìn lại năm 2020 như một thời khắc làm thay đổi mọi thứ. Không có một ngành nào ghi nhận sự tăng trưởng chưa từng có tiền lệ và cũng nằm ngoài mọi dự đoán như lĩnh vực kỹ thuật số và thương mại điện tử, với sự bùng nổ giữa cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19.

Khi tình trạng phong tỏa trở thành một trạng thái bình thường mới ở nhiều nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng có xu hướng cung cấp và mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến, từ đó nâng tỷ trọng của thương mại điện tử trong giá trị thương mại bán lẻ toàn cầu từ 14% năm 2019 lên khoảng 17% năm 2020.

Người thắng, kẻ thua

Báo cáo đánh giá sự phát triển của thương mại điện tử trên toàn cầu trong đại dịch COVID-19 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy nhiều khu vực đã ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử, trong đó người tiêu dùng ở các nền kinh tế mới nổi đã tạo nên sự dịch chuyển lớn nhất sang hình thức mua sắm trực tuyến.

Nền tảng thương mại điện tử Mercado Libre của khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận doanh số hàng ngày tăng gấp đôi trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Còn nền tảng Jumia của châu Phi thông báo mức tăng 50% trong khối lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2020.

Tỷ trọng của thương mại điện tử trong danh số bán lẻ của Trung Quốc tăng từ 19,4% lên 24,6% trong giai đoạn từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2020.

Còn ở Kazakhstan, tỷ trọng này đã tăng từ 5% năm 2019 lên 9,4% năm 2020. Thái Lan còn ghi nhận số lượt tải các ứng dụng mua sắm tăng đến 60% chỉ trong một tuần trong tháng 3/2020.

Theo UNCTAD, xu hướng chuyển dịch sang thương mại điện tử trong năm 2020 có thể sẽ kéo dài trong cả thời kỳ phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, tại nhiều nước kém phát triển nhất thế giới, người tiêu dùng và doanh nghiệp lại không tận dụng được những cơ hội thương mại điện tử trong thời đại dịch do những rào cản cố hữu, trong đó bao gồm các dịch vụ băng thông rộng đắt đỏ, sự phụ thuộc quá mức vào tiền mặt, thiếu niềm tin của người tiêu dùng, người dân thiếu kỹ năng về các thao tác với mạng Internet và chính phủ không chú trọng nhiều vào thương mại điện tử.

UNCTAD cho rằng một trong những thách thức là đại dịch đã đem lại lợi ích chủ yếu cho các nền tảng kỹ thuật số hàng đầu.

Nhiều giải pháp đang được sử dụng cho thương mại điện tử, làm việc từ xa và điện toán đám mây do một số lượng khá nhỏ các công ty lớn cung cấp, chủ yếu ở Trung Quốc và Mỹ.

Các “ông lớn” này đã lấn át sự hiện diện của các công ty nhỏ hơn trên thị trường, qua đó càng củng cố vị thế thống trị của họ trong thời kỳ đại dịch.

Ông Torbjörn Fredriksson, Giám đốc phụ trách mảng kinh tế số của UNCTAD, nhận định sự chênh lệch lớn về kỹ thuật số đang tồn tại giữa các nước và trong mỗi nước có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn sau đại dịch.

Hệ quả là sự bất bình đẳng sâu sắc hơn sẽ đe dọa những tiến triển hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Sự chung tay của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế

Phần lớn chính phủ các nước ưu tiên những phản ứng ngắn hạn với đại dịch, nhưng nhiều nước cũng đã bắt đầu giải quyết những yêu cầu dài hạn về mặt chiến lược để có thể phục hồi.

Chính phủ nhiều nước đang phát triển đã vào cuộc để bảo vệ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và thu nhập của người dân.

Tại Mỹ Latinh và Caribe, Chính phủ Costa Rica đã ra mắt một nền tảng dành cho các doanh nghiệp không hoạt động trực tuyến, và một ứng dụng trên điện thoại thông minh và dịch vụ nhắn tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các nhà sản xuất nông sản.

Thuong mai dien tu va kinh te so: Tang truong chua tung co tien le hinh anh 2

Biểu tượng của Tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử Amazon tại trung tâm phân phối ở Las Vegas, Nevada, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Còn tại châu Phi, Senegal đã thực hiện một chiến dịch thông tin, giáo dục và nâng cao nhận thức của mọi đối tượng người dân về những lợi ích của thương mại điện tử.

Trong khi đó, tại châu Á, Indonesia đã khởi động một chương trình xây dựng năng lực nhằm xúc tiến quá trình số hóa và chuyển đổi số ở các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Không chỉ chính phủ mà các doanh nghiệp cũng phải tự tìm cách chuyển đổi số và hợp tác để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong thời đại lên ngôi của thương mại điệm tử.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà, tập đoàn phân phối Carrefour tại Bỉ đang tiếp cận những nhân tố mới trong lĩnh vực giao hàng siêu nhanh là Gorillas và DingDong.

Bên cạnh đó, Carrefour cũng đang dựa vào dịch vụ ShipTo (xe đạp giao hàng tại nhà trong 90 phút) và quan hệ đối tác với Deliveroo và Uber Eats.

Theo báo cáo của UNCTAD, xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho thương mại điện tử đòi hỏi những thay đổi trong chính sách công và các biện pháp của doanh nghiệp nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại và kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức thanh toán số và xây dựng các khung quy định và pháp lý phù hợp cho các giao dịch trực tuyến và đảm bảo an ninh mạng.

Sau đó, để đón nhận những giá trị từ thương mại kỹ thuật số, các doanh nghiệp nhỏ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Các nước cũng cần có năng lực thu nhập và khai thác thông tin tốt hơn, và khung quy định mạnh mẽ hơn cho việc tạo ra và đón nhận giá trị trong nền kinh tế số.

Cuối cùng, cộng đồng quốc tế cần tìm những cách thức mới táo bạo hơn để hợp tác với chính phủ các nước và khu vực tư nhân để nắm bắt những cơ hội này.

Sáng kiến eTrade for all của UNCTAD, hiện đang được tài trợ bởi Hà Lan, Đức và Estonia, là một nền tảng quốc tế để tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các nước.

Trong bốn năm qua, sáng kiến này hoạt động như một kênh hỗ trợ toàn cầu cho các nước đang phát triển nhằm san bằng sự chênh lệch về nguồn lực và thông tin về thương mại điện tử, cũng như xúc tiến quan hệ hợp tác giữa các đối tác.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hơn 30 đối tác của eTrade đã hợp tác với nhau để nâng cao nhận thức về các cơ hội thương mại điện tử và những nguy cơ nảy sinh trong cuộc khủng hoảng này./.

Theo KHÁNH LY (Vietnam+)