Thương mại điện tử và tác động đến chợ truyền thống

06/12/2024 - 06:11

 - Vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) góp phần thay đổi đáng kể nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Với sự bùng nổ của Internet và các nền tảng trực tuyến, việc mua sắm qua mạng đã trở thành thói quen phổ biến của người tiêu dùng (NTD). Trước sự thay đổi này, chợ truyền thống - nơi từng đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng hóa đã phải thích nghi và chịu nhiều ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực.

TMĐT với các nền tảng lớn, gồm: Shopee, Lazada, Tiki hay các trang mạng quốc tế, như Amazon, eBay đã mang đến tiện ích vượt trội cho NTD. Người mua có thể dễ dàng tiếp cận hàng triệu sản phẩm chỉ bằng vài cú nhấp chuột, có thể so sánh giá, đọc đánh giá sản phẩm và nhận hàng tận nơi mà không cần phải ra khỏi nhà. Chính điều này đã thay đổi cục diện mua sắm, khiến các nhà cung cấp và phân phối hàng hóa phải chuyển hướng sang các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, chợ truyền thống, vốn là nơi tập trung giao thương và phân phối hàng hóa sỉ lớn nhất, đã chịu tác động không nhỏ bởi sự chuyển dịch này.

NTD cá nhân, vốn là đối tượng mua sắm thường xuyên ở chợ truyền thống, phần lớn chuyển sang mua hàng trực tuyến. Các kênh này cung cấp nhiều ưu đãi, tiện lợi, giảm được chi phí vận hành và NTD không cần phải đến tận nơi lấy hàng. Ngoài ra, các nhà cung cấp ở chợ truyền thống phải cạnh tranh khốc liệt với các sàn TMĐT khi giá cả cạnh tranh nhờ các chương trình khuyến mãi, chính sách đổi trả linh hoạt và công nghệ tiếp cận khách hàng vượt trội. Trước áp lực này, nhiều chợ truyền thống phải thay đổi để tồn tại. Hộ kinh doanh chợ truyền thống đã đưa hàng lên các nền tảng trực tuyến, khai thác kênh bán hàng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Doanh thu TMĐT bán lẻ có thể đạt 650.000 tỷ đồng, trong đó 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam dự kiến đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so năm 2023. Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đạt gần 61 triệu người, với mức chi tiêu trung bình 336 USD/người/năm.

Anh T.V.C (chủ shop quần áo ở chợ Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cho hay: “Khách ngày càng ít ghé cửa hàng. Nhiều người giờ thích mua online vì tiện lợi, giá bán có nhiều ưu đãi. Nếu không “theo kịp” xu hướng mua sắm online, chắc cửa hàng sẽ khó tồn tại. Do đó, tôi bắt đầu livestream bán hàng”. Chị B.T.P.N (chủ cửa hàng giày dép ở chợ Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho hay: “Lượng khách hàng mua trực tiếp giảm nhiều, dù giá cả và chất lượng không thua hàng online, nhưng khách vẫn thích đặt mua hàng qua mạng hơn. Tôi đã tạo 1 gian hàng trên trang Shopee, hy vọng có thể tìm thêm một lượng khách trên nền tảng mua sắm trực tuyến này”.

Các chợ truyền thống tận dụng sự đa dạng và độ tin cậy của mình để tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng. Việc kinh doanh trực tuyến cũng khiến một số chợ truyền thống phải cải thiện chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nhằm giữ vững uy tín. Nếu như trước đây, NTD phải trực tiếp đánh giá sản phẩm tại chợ, thì giờ đây họ có thể xem trước thông tin sản phẩm và đánh giá trên các nền tảng trực tuyến. Anh N.Đ.K cho hay: “Tôi nghĩ cả 2 đều có cái hay riêng. Mua trên sàn TMĐT thì tiện lợi, ngồi nhà cũng mua được, giá đôi khi rẻ hơn nhờ mã giảm giá. Nhưng chợ truyền thống lại mang đến cảm giác thân thuộc, gần gũi. Mua trên sàn thì nhanh, được giao hàng tận nhà nhưng đôi khi phải chờ shipper mấy ngày. Nếu không may hàng bị lỗi thì đổi trả mất cả tuần. Chợ truyền thống thì ngược lại, mua xong là về ngay, nếu có vấn đề gì, mình quay lại đổi cũng dễ, người bán rất nhiệt tình”.

Dù bị ảnh hưởng lớn, nhưng chợ truyền thống vẫn có những lợi thế riêng, chẳng hạn như việc cung cấp số lượng lớn và giá cả phải chăng, cùng mối quan hệ trực tiếp với nhà cung cấp. Tuy nhiên, để không bị bỏ lại phía sau, các chợ truyền thống cần chuyển mình mạnh mẽ, đầu tư vào công nghệ và áp dụng các phương thức kinh doanh hiện đại hơn.

Sự trỗi dậy của TMĐT là điều không thể tránh khỏi và mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức cho chợ truyền thống. Để thích nghi và phát triển, chợ truyền thống cần linh hoạt thay đổi mô hình kinh doanh, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD trong thời đại số hóa.

NGUYỄN TRÍ