Thưởng Tết “Năm COVID”

28/01/2021 - 06:24

 - Trải qua 1 năm chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đầy khó khăn, gom góp thu nhập làm được, người lao động (NLĐ) càng mong mỏi thông tin từ thưởng Tết Nguyên đán. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã cố gắng giữ mức thưởng Tết như các năm trước để khuyến khích NLĐ tiếp tục gắn bó với đơn vị. Dù ít hay nhiều, đó vẫn là phần thưởng cuối năm mà mọi người chờ đợi để trang trải cho gia đình đón những ngày đầu năm mới thêm tươm tất, ấm cúng.

Đầu tháng 1, Ban Quan hệ lao động tỉnh An Giang đã đến thăm và làm việc với 21 DN có đông lao động nhằm ghi nhận công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tình hình hoạt động trong năm 2020, dự kiến tiền thưởng cho NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Nhìn chung, các DN đều quan tâm thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh đúng theo khuyến cáo của ngành y tế. Theo ghi nhận của Ban Quan hệ lao động tỉnh, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hiện nay số lao động của một số DN giảm hơn so đầu năm 2020; tình hình biến động lao động ở các DN thường xuyên xảy ra, đặc biệt là ngành chế biến thủy sản. Mức tiền lương năm 2020 được khảo sát cao nhất là 56 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất hơn 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Tình hình dịch bệnh tại các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, kéo dài, đặc biệt các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu… Do đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, gây ảnh hưởng lớn tới các DN, nhất là những DN có đầu vào - đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Một số DN thủy sản gặp khó khăn trong tìm đối tác nước ngoài, khách hàng mới, phải giảm công suất sản xuất do hàng hóa xuất khẩu chậm, xuất khẩu không được, không đủ kho chứa thành phẩm… nên giảm giờ làm dẫn đến thu nhập của NLĐ giảm hơn so với trước đây.

Còn DN ngành may mặc, da giày sau giai đoạn khó khăn nay đã ổn định được nguồn nguyên liệu và tìm kiếm được đối tác xuất khẩu. Những tháng cuối năm, nhiều DN đã tìm thêm được đơn hàng, hoạt động sản xuất và việc làm của NLĐ có phần ổn định hơn, đồng thời có kế hoạch tăng công suất sản xuất và có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động trong thời gian tới.

Dự kiến, thưởng Tết Nguyên đán của DN cho NLĐ bình quân hơn 4,2 triệu đồng/người, mặt bằng chung tương đương với Tết Nguyên đán năm 2020, mức thưởng giữa lao động trực tiếp và gián tiếp chênh lệch không nhiều. Qua tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong số 87 công ty, DN gửi báo cáo, có 71 công ty, DN đã thông báo kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ. Cụ thể, các công ty TNHH MTV do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ có mức thưởng cao nhất 75 triệu đồng/người, mức thấp nhất 3 triệu đồng/người; các công ty cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước có mức thưởng cao nhất 70 triệu đồng/người, thấp nhất 800.000 đồng/người.

Trong khi đó, khối các DN dân doanh, mức thưởng Tết cao nhất là 90 triệu đồng/người, thấp nhất 500.000 đồng/người; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức thưởng Tết cao nhất là 35 triệu đồng/người, mức thấp nhất 200.000 đồng/người. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chưa ghi nhận trường hợp nợ lương, vay tiền để trả lương của DN. Còn thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh trong số 147 DN có tổ chức công đoàn, chỉ còn số ít DN chưa báo cáo hoặc không thưởng Tết, còn lại đa số đều có thưởng Tết và quà tặng cho NLĐ theo định mức hoặc ít nhất 1 tháng lương.

Tại Khu công nghiệp Bình Long (Châu Phú) và Bình Hòa (Châu Thành), các DN đều báo cáo chế độ thưởng Tết cho NLĐ đầy đủ. Ngoài nỗ lực duy trì lương trong năm kèm theo phụ cấp chuyên cần, nhà trọ, các phụ cấp khác... các công ty thưởng Tết Nguyên đán từ 4,5 triệu đồng/lao động gián tiếp và từ 3,8 triệu đồng/lao động trực tiếp, cho nghỉ Tết từ 7-13 ngày. Mỗi công nhân lao động còn được nhận 2 phần quà từ công ty và tổ chức công đoàn. Đặc biệt, một số DN thủy sản trên địa bàn tỉnh dù tình hình rất khó khăn nhưng nỗ lực để công nhân có Tết.

Điển hình như Công ty Cổ phần chế biến xuất, nhập khẩu thủy sản Hòa Phát (Châu Phú) thưởng Tết cho lao động trực tiếp 2,8 triệu đồng/người và lao động gián tiếp trên 5,2 triệu đồng/người; Công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu thủy sản An Giang dự kiến thưởng Tết bình quân 2 triệu đồng/người (lao động gián tiếp và trực tiếp) cùng phần quà của DN trị giá 150.000 đồng và quà của công đoàn trị giá 200.000 đồng. Tại huyện Chợ Mới, các DN có mức thưởng khá tương đồng, dao động từ 5-8 triệu đồng/người và suất quà Tết trị giá từ 200.000 - 500.000 đồng...

Song song thực hiện việc thưởng Tết, DN còn sắp xếp ngày nghỉ cho lao động theo quy định với thời gian phù hợp. Một số nơi cho lao động nghỉ khá sớm, thời gian nghỉ Tết kéo dài đến 14 ngày, còn lại bình quân nghỉ khoảng 7 ngày. Riêng công ty, DN đặc thù ngành vận tải, môi trường không áp dụng thời gian nghỉ Tết cố định mà bố trí luân phiên, vẫn đảm bảo cho NLĐ được nghỉ ngơi. Theo ghi nhận của các ngành chức năng, đến nay, tình hình lao động ở các công ty, DN vẫn đảm bảo ổn định, không có bất ổn. Những nỗ lực từ nhiều phía và trong tình hình chung qua 1 năm đối mặt khó khăn, DN và NLĐ cần nhất là sự đồng cảm, chia sẻ để cùng vượt khó, phấn đấu đảm bảo sản xuất - kinh doanh, việc làm và thu nhập trong thời gian tới.

MỸ HẠNH