Thủy điện “ám ảnh” cư dân Mekong

26/03/2018 - 08:25

 - Các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với nguồn phù sa, thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học của dòng sông. Cùng với đó là ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 60 triệu người dân trong lưu vực. Các quốc gia cần hết sức cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và hậu quả lâu dài rất khó khắc phục sau này.

Nỗi lo ngày càng lớn

Diễn đàn “Lưu vực Mekong trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” được tổ chức tại TP. Cần Thơ mới đây là cơ hội để cộng đồng sống lệ thuộc vào dòng Mekong một lần nữa được cất lên tiếng nói của mình. Những tiếng nói ấy cần phải được các nhà hoạch định chính sách lắng nghe thấu đáo, xem xét tận tình nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của dòng sông, nơi cung cấp nguồn lương thực quan trọng cho thế giới.

Vùng hạ lưu Mekong bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đập thủy điện

Vượt quãng đường hơn 1.600km từ tỉnh Chiang Rai (thuộc miền Đông Bắc Thái Lan) để đến với diễn đàn, ông Som Kiat Knunsangsa nói thẳng: “Từ khi Trung Quốc tiến hành xây dựng hàng loạt đập thủy trên thượng nguồn sông Mekong, môi trường sống của chúng tôi thay đổi. Có những thay đổi mà bao đời nay chúng tôi chưa từng nghĩ tới”. Ông Som Kiat cho biết, mực nước luôn ở mức thấp là nguyên nhân khiến nhiều loài thực vật tự nhiên không phát triển được, các vườn cây cặp dòng sông không còn trù phú, lượng thủy sản sụt giảm, một số loài chim kiếm ăn từ thảm thực vật dần biến mất. “Trước đây, người dân đi dọc theo các bờ sông hái rau cũng bán được hơn 1.000 bath/ngày nhưng giờ còn rất ít. Hồi trước, có hơn 1.000 tàu thuyền đánh bắt cá thì giờ còn chưa tới 300 chiếc” - ông Som Kiat lo lắng. Ở vùng Đông Bắc Thái Lan, hàng ngàn người khi tham gia biểu tình đã giơ khẩu hiệu “Mekong blasting project” khi đề cập đến dự án 7 đập thủy điện kết hợp giao thông lớn trên dòng Mekong của Trung Quốc.

Đại diện cộng đồng đến từ Campuchia tỏ ra lo lắng khi Lào dự kiến xây 9 đập thủy điện, Campuchia cũng có kế hoạch xây dựng 2 đập thủy điện trên dòng chính Mekong. “Bao thế hệ gia đình chúng tôi làm nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Tonlé Sap (Biển Hồ), nơi có chế độ thủy văn liên kết chặt chẽ với dòng Mekong. Từ khi các đập thủy điện được xây dựng, mực nước trên các hồ luôn xuống thấp, những loài cá lâu nay chúng tôi dùng làm mắm bị sụt giảm mạnh, có loài biến mất. Trước đây, lượng phù sa còn nhiều, người dân sản xuất lúa tự nhiên nhưng giờ mực nước xuống thấp, phù sa sụt giảm, người dân phải dùng phân hóa học để bổ sung vào đất” - ông Long Sochet, người dân sống bên hồ Tonlé Sap (Campuchia) chia sẻ.

Cần tính toán lợi ích lâu dài

Đó là đề nghị của bà Vorn Sem, trưởng một ngôi làng ở vùng Kratie, nơi Campuchia dự kiến xây dựng đập thủy điện. “Từ khi Trung Quốc vận hành các đập thủy điện đầu nguồn Mekong, lượng cá đánh bắt trong vùng giảm một nửa, nhiều người đã bỏ làng đi làm việc khác. Sau khi Lào vận hành đập Don Sahong, người dân sống ven sông không có rau để hái. Hiện nay, mỗi tháng có đến 15 ngày nước sông bị dơ, đục, chất lượng nước rất thấp, không còn sự trong lành của dòng sông tự nhiên. Chúng tôi đề nghị trước khi xây dựng thêm các đập thủy điện, chính phủ các nước cần nghiên cứu, khảo sát kỹ, nếu ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sinh kế lâu dài của người dân thì phải tôn trọng ý kiến cộng đồng” - bà Vorn Sem nêu ý kiến.

Là người sống ở vùng trồng cây vú sữa Vĩnh Kim nổi tiếng, ông Nguyễn Thanh Hải (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang) cảm nhận rất rõ những tác động do biến đổi khí hậu và sụt giảm dòng chảy trên sông Cửu Long (thuộc hạ lưu sông Mekong). “Khoảng 10 năm trước, Tiền Giang có nước ngọt quanh năm, cây trái 4 mùa xanh tươi nhưng mấy năm gần đây, xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền, sạt lở bờ sông nghiêm trọng, cây trái rất khó trồng. Ở Vĩnh Kim, khoảng 80% cây vú sữa bị chết, số còn lại thì giảm năng suất. Ở khu vực Gò Công bị sạt lở bờ biển, không còn cây chắn gió nên tác động đến đất liền”- ông Hải lo lắng. Người nông dân này đề nghị, Chính phủ và các tổ chức quốc tế cần hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kiến thức nuôi trồng thích ứng với biển đổi khí hậu, lựa chọn giống cây phù hợp với vùng thiếu nước ngọt. “Bên cạnh đó, cần hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời để thay thế và giảm phụ thuộc vào thủy điện, vốn là nguyên nhân chính gây thiếu hụt lượng nước, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến sinh kế người dân” - ông Hải kiến nghị.

Thông qua nhiều kết quả nghiên cứu độc lập, ông Naruepon Sukumasavin (Ban Thư ký Ủy ban Sông Mekong quốc tế) cho biết, các đập thủy điện trên dòng Mekong sẽ tiếp tục làm giảm độ màu mỡ của đất, giảm sản lượng lúa, gạo cũng như sản lượng cá. Theo kịch bản đến năm 2040, lượng phù sa về ĐBSCL giảm đến 96%. “Nghiên cứu chỉ ra rằng, các dự án thủy điện sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở ĐBSCL (Việt Nam) và dọc theo sông Mekong từ Vientiane (Lào) đến Stung Treng (Campuchia). Các dự án thủy điện mới sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đói nghèo. Do vậy, cần nghiêm túc đánh giá hết tác động lâu dài thay vì chỉ phục vụ lợi ích cục bộ cho các nhà đầu tư” - ông Naruepon Sukumasavin lưu ý.

Ngoài 7 công trình đập trên dòng chính Mekong đã hoàn thành trên phía thượng nguồn Trung Quốc, 11 con đập ở hạ lưu theo kế hoạch xây dựng của Lào và Campuchia sẽ gây tổn thất nghiêm trọng đến lượng phù sa, nguồn thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học của dòng sông.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN