Tiềm năng hình thành vùng thốt nốt hữu cơ

08/09/2023 - 06:40

 - Thốt nốt là loại cây trồng đặc hữu ở vùng Bảy Núi, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khô hạn, thiếu nước nơi đây. Nhờ khả năng phát triển tự nhiên, có thể hình thành vùng thốt nốt hữu cơ để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm từ thốt nốt, hướng đến xuất khẩu.

Nâng cao giá trị

Theo định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ tại huyện Tri TônTX. Tịnh Biên; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ phục vụ nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu. Từ đó, phát triển sản phẩm thốt nốt hữu cơ có giá trị gia tăng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, an toàn cho người sử dụng; từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của An Giang, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân.

Đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt từ 200 cây và năm 2030 đạt 500 cây (cây trên 40 năm tuổi). Sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ 80% năm 2025 và 100% vào năm 2030. Qua đó, hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận; lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cao hơn từ 1,5-2 lần so với tập quán thông thường.

Nguyên liệu thốt nốt tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn

UBND tỉnh giao ngành chức năng tỉnh phối hợp huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên khảo sát hiện trạng vùng dự kiến xây dựng, hình thành vùng thốt nốt hữu cơ, lập sơ đồ vùng trồng, đánh mã số cây thốt nốt chuyển đổi hữu cơ; khảo sát và làm việc với các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ đường thốt nốt. Đồng thời, phân tích mẫu đất, mẫu nước tại các vùng trồng thốt nốt, phục vụ chứng nhận thốt nốt hữu cơ.

Qua khảo sát, ngành chức năng tỉnh sẽ khoanh vùng, chọn những cây chuyển đổi sản xuất hữu cơ và tách biệt với vùng không sản xuất hữu cơ (phù hợp tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017); hình thành các vùng trồng cây thốt nốt hữu cơ tập trung. Vùng trồng sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu (nước thốt nốt, đường thô…) để phục vụ cho sơ chế, chế biến các sản phẩm đường thốt nốt hữu cơ, các sản phẩm liên quan đến đường thốt nốt như yến hũ chưng sẵn (chưng đường thốt nốt, nghệ, đông trùng hạ thảo). Đồng thời, liên kết phục vụ du lịch tại địa phương.

Thí điểm để nhân rộng

Trong quá trình thực hiện, tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật các cấp về sản xuất thốt nốt hữu cơ, chứng nhận hữu cơ gắn với DN liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đào tạo kỹ thuật, phương pháp ủ và sử dụng phân hữu cơ, hỗ trợ vật tư sản xuất hữu cơ cho các hộ trồng lúa vùng đệm và cây trồng khác xen canh vùng trồng thốt nốt hữu cơ; hướng dẫn quy trình sản xuất thốt nốt hữu cơ.

Các hộ tham gia được trang bị dụng cụ thu hoạch, chứa sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp nguồn gốc hữu cơ (phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học); biển cảnh báo khu vực sản xuất… Khi đủ điều kiện, vùng trồng sẽ được cấp chứng nhận thốt nốt hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và một số thị trường: Hoa Kỳ, Nhật, EU...

Cán bộ, nông dân, HTX tham gia sẽ được hỗ trợ tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế về mô hình sản xuất hữu cơ tại các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, HTX, nông trại... trong và ngoài tỉnh. Từ đó, tháo gỡ những khó khăn, trở ngại trong quá trình sản xuất, tận dụng chính sách về nông nghiệp hữu cơ…

Giai đoạn 2023 - 2030, sẽ có khoảng 10 lớp hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất thốt nốt hữu cơ cho nông dân, HTX, THT, giúp áp dụng kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ, quản lý sâu bệnh hại thốt nốt. Tỉnh còn tổ chức truyền thông, giúp nông dân nâng cao nhận thức về sản xuất thốt nốt hữu cơ, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất và nhân rộng mô hình; tăng tỷ lệ nông dân sản xuất thốt nốt sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tỉnh sẽ thí điểm mô hình sản xuất thốt nốt hữu cơ, gắn liên kết tiêu thụ với DN chế biến đường thốt nốt, các sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.

Theo đó, các nông hộ, HTX, THT, cơ sở trồng và sơ chế thốt nốt sẽ được hướng dẫn cách sản xuất, khai thác mật thốt nốt và chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ. Các vùng trồng, HTX, THT sẽ được hỗ trợ cấp chứng nhận vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ, tạo vùng nguyên liệu để liên kết với DN sản xuất, cung cấp các sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu hình thành 11 vùng trồng, HTX, THT đạt chứng nhận hữu cơ (đến năm 2025 đạt 4; đến năm 2030 đạt thêm 7).

Dự kiến năm 2025, tỉnh An Giang sẽ tổ chức hội nghị sơ kết báo cáo, đánh giá kết quả đạt được của mô hình thốt nốt hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025; rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cho giai đoạn đến năm 2030. Sau đó, tổng kết vào năm 2030 để triển khai giai đoạn tiếp theo.

 

NGÔ CHUẨN