PrEP là viết tắt của từ tiếng Anh (Pre-Exposure Prophylaxis), nghĩa là dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) đối với người chưa nhiễm HIV để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Đối tượng sử dụng của PrEP là tất cả những người chưa nhiễm HIV; những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, như: người nam có quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy, người chuyển giới nữ, người bán dâm, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị nhưng tải lượng virus HIV trên 200 bản sao/ml, chưa đạt mức ức chế và những người tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV sau điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP).
Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng minh: điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (Enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Khởi động PrEP tại An Giang vào đầu tháng 12
Từ năm 2015, WHO đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện, bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Phương pháp này tuy không thay thế được vaccine HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác, nhưng nó là một cách đơn giản có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên thế giới.
Hiện nay, điều trị PrEP bằng thuốc ARV nên uống vào một thời điểm nhất định để tạo ra thói quen uống thuốc đều đặn. Thuốc sử dụng trong điều trị PrEP khá an toàn, hầu hết người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Điều trị PrEP khá an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú có nguy cơ cao nhiễm HIV.
Đầu năm 2017, PrEP được thí điểm tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả thí điểm cho thấy không có trường hợp nào bị nhiễm HIV sau khi điều trị PrEP. Năm 2020, Việt Nam đã triển khai mở rộng chương trình PrEP tại 27 tỉnh, thành phố và trong thời gian tới sẽ mở rộng dịch vụ PrEP ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ tháng 1-2020, PrEP đã có mặt tại An Giang, được cung cấp hoàn toàn miễn phí ở 10 cơ sở y tế nhà nước và 1 cơ sở y tế tư nhân đang ký hợp đồng. Tháng 12, Ban Quản lý dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức sự kiện khởi động chương trình, nhằm thu hút đông đảo hơn nữa người tham gia điều trị dự phòng.
Theo chia sẻ của đại diện cộng đồng LGBT An Giang, nhiều người chưa hiểu rõ về PrEP, băn khoăn về tác dụng phụ của thuốc, hoặc bận công việc, học hành, chưa thể đến các cơ sở y tế để tham gia, ngại thủ tục rườm rà… Những điều đó khiến việc điều trị dự phòng phơi nhiễm còn ít. “Năm 2020, An Giang phấn đấu có 1.200 người được cung cấp điều trị dự phòng PrEP. Nhưng đến tháng 12, chỉ mới có… hơn 40 khách hàng, dù chúng tôi đã chuẩn bị nguồn lực, nhân lực y tế. Để PrEP được áp dụng nhiều hơn nữa, kỳ vọng rằng cộng đồng LGBT lên tiếng nói, đưa thông điệp, mong muốn của họ trong điều trị dự phòng PrEP rộng rãi hơn” - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh An Giang Dương Anh Linh bày tỏ.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương, An Giang từng là trọng điểm về số lượng người nhiễm HIV (đứng hàng thứ 5 toàn quốc). Sau nhiều nỗ lực thực hiện các giải pháp kiềm chế, tỉnh đã có bước tiến quan trọng, “lọt khỏi” top 10. Tỷ lệ mắc mới, từ HIV chuyển qua AIDS, số người tử vong năm sau giảm hơn năm trước.
Hiện nay, ngành chức năng tiếp tục khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, giảm số người nhiễm HIV, số người mắc AIDS và số người tử vong do đại dịch gây ra, hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Và PrEP là một biện pháp tương đối hữu hiệu, dễ áp dụng, hiệu quả cao. Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai tại An Giang, số lượng người tham gia còn rất khiêm tốn. Mong rằng, qua sự kiện khởi động lần này, có nhiều thông tin tuyên truyền về PrEP, kết nối với các nhóm đối tượng cần điều trị dự phòng. Các cơ sở y tế nên phát huy hơn nữa hoạt động, tăng cường thu dung, nghiên cứu cách phát thuốc phù hợp…
Tại An Giang, các địa chỉ cung cấp PrEP gồm: Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú; Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa TX. Tân Châu, Bệnh viện Hạnh Phúc. Các cơ sở làm việc từ thứ 2 đến thứ 6, trong giờ hành chính.
Vaccine giúp hệ miễn dịch sinh ra kháng thể của cơ thể để chống lại một nhiễm trùng nào đó trong thời gian dài. Còn PrEP là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP cần phải được uống mỗi ngày. Khi dừng, thuốc hết tác dụng.
|
GIA KHÁNH