Tiếp động lực để An Giang bứt phá

03/07/2023 - 06:16

 - Tiềm năng, lợi thế của An Giang được đánh giá là rất lớn, nhưng còn vướng nhiều “điểm nghẽn” phát triển. Với vị trí, vai trò quan trọng, cần tiếp thêm những động lực để An Giang vượt qua các trở ngại lâu nay, có điều kiện bứt phá phát triển cùng vùng ĐBSCL.

Vai trò quan trọng

An Giang là một trong những vùng đất hình thành sớm, có tên trong “Nam kỳ lục tỉnh” khi triều Nguyễn khai phá miền Nam (3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường; 3 tỉnh miền Tây là An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên). Bản thân tên gọi An Giang có nghĩa là “dòng sông yên bình”, được thiên nhiên ưu đãi nên tập trung đông đảo dân di cư đến khai hoang, lập làng.

Triều Nguyễn sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của An Giang khi giao Thống chế khâm sai Thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế (khởi công năm 1819, hoàn thành năm 1824), dài hơn 87km, là kênh đào dài nhất miền Tây, chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia ngày nay, vừa có tác dụng thông thương kinh tế, vừa bảo vệ bờ cõi lâu dài.

Ngày nay, An Giang vẫn là vùng đất trù phú, có lợi thế và vị trí đặc biệt quan trọng. Kết quả điều tra dân số năm 2019, tỉnh có trên 1,9 triệu người, đứng đầu ĐBSCL và đứng thứ 8 cả nước. An Giang có hơn 100km đường biên giới giáp Campuchia, với 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông), 1 cửa khẩu phụ (Bắc Đai) và một số cửa khẩu tiềm năng phát triển thành cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ. An Giang có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh ở biên giới Tây Nam, là một trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Trong khi nhiều tỉnh miền Tây đang đối mặt với tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng thì An Giang có nguồn nước ngọt quanh năm, được dòng Mekong đổ liên tục vào sông Tiền, sông Hậu - nơi khởi nguồn của sông Cửu Long. “Trong khi nhiều vùng nuôi thủy sản, trồng lúa, rau màu, cây ăn trái nước ngọt ở ĐBSCL đang co cụm lại thì An Giang vẫn đảm bảo điều kiện sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ổn định, lâu dài” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Những nỗ lực

Sau vài lần đại dịch COVID-19 quét qua, những tỉnh có lợi thế về công nghiệp, thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số tỉnh từng có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 2 con số thì năm 2022, tốc độ tăng trưởng âm. Với bệ đỡ nông nghiệp, tăng trưởng GRDP năm 2022 của An Giang đạt 6,87%, vượt kế hoạch đề ra (5,2%); thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, ước 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 6,5% (cùng kỳ tăng 4,9%). Trong đó, nông nghiệp tiếp tục duy trì thế mạnh khi đạt tăng trưởng 3,29%, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2022 (2,51%); công nghiệp - xây dựng tăng 9,51% (cùng kỳ tăng 7,21%); thương mại, dịch vụ tăng 8,17% (cùng kỳ tăng 5,93%). Riêng ngành du lịch, trong 6 tháng đón khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 15% so cùng kỳ 2022; tổng doanh thu ước đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 37%.

Kinh tế An Giang đang dần hồi phục khi 6 tháng đầu năm, có thêm 151 doanh nghiệp tái hoạt động, 500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới, tăng hơn 11% so cùng kỳ 2022; tổng số vốn đăng ký 4.640 tỷ đồng, tăng 13,17%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, An Giang đã tiếp nhận 17 dự án đăng ký mới, tổng vốn đăng ký 28.139 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2022 (phê duyệt 11 dự án, tổng vốn đầu tư 1.660 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án, tổng vốn 14.096 tỷ đồng).

Thêm động lực tăng trưởng

Để từng bước khắc phục điểm yếu thiếu hạ tầng chiến lược, An Giang luôn nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công, đưa vào sử dụng những công trình, dự án có tính động lực, thúc đẩy phát triển. Từ đầu năm 2023, tỉnh đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được giao, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, giải phóng mặt bằng cho việc triển khai Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, nhằm phát huy hiệu quả cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương triển khai thêm 21km dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc đến Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (13km) và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C (8km) đi Cửa khẩu Khánh Bình.

Tuyến nối này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới, đồng thời tạo tính liên kết vùng và phát triển giữa tỉnh An Giang với tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia), giảm bớt lưu lượng xe trên tuyến Quốc lộ 91 (đang ngày càng bị quá tải). Tuyến nối đạt chuẩn cấp III đồng bằng (chiều rộng nền đường 12m; mặt đường xe chạy 9m), tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng.

An Giang cũng đề xuất Dự án tuyến đường tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung (nối Tỉnh lộ 945 và 947). Dự án nhằm giảm bớt lưu lượng xe, đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến Quốc lộ 91 đi ngang trục đô thị Bình Mỹ - Bình Long - Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú), thúc đẩy phát triển trong khu vực. Tuyến tránh có tổng chiều dài khoảng 9,5km (xây dựng 5 cầu vượt kênh, rạch), đạt chuẩn cấp III đồng bằng, dự kiến tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ và đối ứng của ngân sách địa phương).

Một công trình quan trọng khác mà An Giang đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư là xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, nối từ huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) qua TX. Tân Châu (tỉnh An Giang), tạo liên thông toàn tuyến Quốc lộ N1, nối liền các tỉnh Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang; đảm bảo mục tiêu kết nối liên vùng, tạo thuận lợi cho việc kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Công trình có chiều dài toàn tuyến 17,2km (chiều dài cầu chính 890m; chiều dài cầu dẫn 1.695m; chiều dài kè bảo vệ bờ sông 2,5km), dự kiến tổng mức đầu tư 6.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

An Giang đề xuất Chính phủ hỗ trợ xây dựng cầu Tôn Đức Thắng, nối từ TP. Long Xuyên qua xã Mỹ Hòa Hưng - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cầu dây văng nhịp chính 300m, toàn cầu dài 1.990m, chiều rộng 16m cho 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 3.080 tỷ đồng. Công trình tạo điều kiện thúc đẩy xã Mỹ Hòa Hưng phát triển (diện tích tự nhiên 2.119ha, 5.424 hộ với 22.326 nhân khẩu), đồng thời tạo thuận lợi cho đồng bào cả nước viếng thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012).


NGÔ CHUẨN