Tiếp sức nâng tầm 1 triệu ha lúa chất lượng cao

14/12/2023 - 08:10

 - Nhân sự kiện Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã phát động triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đề án tạo sức hút lớn khi các tổ chức quốc tế có uy tín cam kết đồng hành.

Ruộng trình diễn mẫu tham gia đề án

Đề án đầu tiên trên thế giới

Từng đảm nhận vị trí Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang, rồi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nay TS Cao Đức Phát tham gia giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI). Ông tỏ ra rất tâm huyết với đề án mới do Bộ NN&PTNT xây dựng, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“IRRI nhiệt liệt hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã khởi động triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới có quy mô lớn theo hướng này. Dự án hết sức cần thiết, cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu (BĐKH)”.

TS Cao Đức Phát đánh giá, trên thế giới, gạo là lương thực chính của trên 3 tỷ người, nhưng nhiều nước thường xuyên thiếu gạo. Lúa gạo là ngành dễ tổn thương trước BĐKH, nhưng lại là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn, đóng góp khoảng 10% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, 1,3 - 1,8% phát thải khí nhà kính toàn cầu. Do vậy, cần sớm có giải pháp thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.

IRRI đã có quá trình hợp tác nhiều thập kỷ với Việt Nam. Trong số 226 giống lúa được trồng ở Việt Nam, 25% giống do IRRI chọn tạo, 52% giống do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo có sử dụng giống bố mẹ có nguồn gốc từ IRRI. Ngoài ra, IRRI còn phối hợp với các tổ chức khoa học của Việt Nam nghiên cứu cải tiến các quy trình canh tác, xử lý rơm rạ, giảm phát thải khí nhà kính, các kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính từ ruộng lúa để tạo điều kiện thương mại hóa các sản phẩm lúa gạo và tín chỉ carbon được tạo ra. “Được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) chọn là đơn vị tư vấn kỹ thuật quốc tế cho đề án quan trọng này, IRRI sẽ huy động tối đa lực lượng khoa học với các kỹ năng mới nhất để tham gia. Trước hết, IRRI tiếp tục cung cấp và phối hợp chọn tạo các giống lúa phù hợp, chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện các quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính; kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính; đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan cũng như đào tạo cán bộ và nông dân…” - TS Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Ngân hàng Thế giới đồng hành

Tại lễ phát động, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, ngành lúa gạo không chỉ đem lại lợi ích cho nông nghiệp, nền kinh tế mỗi quốc gia mà còn phải mang lại sự sống và thu nhập chính đáng cho người nông dân. “WB đồng hành với Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Chúng tôi tin tưởng, đề án này sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân và cho nền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân” - bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Nhiều năm qua, WB đã đồng hành với Việt Nam thực hiện chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất tốt hơn và thân thiện hơn với môi trường. Với Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), đã triển khai trên 180.000ha. Kết quả cho thấy, diện tích canh tác đã giảm phát thải đáng kể cả về metan và khí thải carbon. Nông dân tham gia VnSAT giúp giảm được 25% chi phí sản xuất, tăng 10% sản lượng, lợi nhuận tổng thể tăng thêm 30%, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

“Chúng tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam đã đi rất đúng hướng thông qua những kinh nghiệm mà các nước khác trên thế giới đã trải qua. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án này, WB sẽ đồng hành huy động tài chính chi trả tín chỉ carbon cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia. Trên cơ sở phát huy hiệu quả giảm phát thải từ dự án VnSAT, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam các cơ chế để tham gia thị trường carbon tự nguyện. Trong tương lai, chúng ta có thể sử dụng được một nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển và sinh kế, phát huy hiệu quả đề án này” - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk khẳng định.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh An Giang đăng ký tham gia đề án 1 triệu ha với diện tích 152.985ha, phân kỳ thực hiện: Năm 2025 là 103.668ha, năm 2026 là 113.531ha, năm 2027 là 123.394ha, năm 2028 là 133.258ha, năm 2029 là 143.121ha, năm 2030 là 152.985ha.

NGÔ CHUẨN