Giám đốc Thư viện tỉnh An Giang Nguyễn Thị Thùy Trang nhận xét: “Quá trình chấm chọn các tác phẩm dự thi, các bài dự thi của thí sinh cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về mặt nội dung và hình thức. Tác phẩm lựa chọn viết cảm nhận đa dạng các chủ đề từ kỹ năng sống đến lịch sử, giáo dục. Đối với câu hỏi xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân hoặc cộng đồng, các em đã đề xuất nhiều kế hoạch hành động, sáng kiến kinh nghiệm đã được xây dựng và triển khai trong thực tế phù hợp với lứa tuổi, có tính lan tỏa tích cực, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với quê hương, đất nước”.
Qua 2 tháng phát động (từ tháng 4 - 6/2024), toàn tỉnh có 177 trường học tham gia cuộc thi. Các trường đã phát động và tuyển chọn 3.186 bài có chất lượng gởi tham gia dự thi. Theo đó, Ban Giám khảo cuộc thi đã chấm chọn 97 bài vào vòng chung khảo và chọn trao giải cho 44 cá nhân. Trong đó, cấp tiểu học 14 giải; THCS 13 giải; THPT 17 giải; 2 giải chuyên đề và 10 giải cho giáo viên phát động hướng dẫn đạt chất lượng cao; giải tập thể cho trường có số lượng thí sinh dự thi tham gia và đạt giải nhiều nhất. Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn 6 bài thi đạt giải gửi Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tham dự vòng chung kết toàn quốc.
Cuộc thi góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều người
Em Nguyễn Thị Anh Thư (lớp 10A5, Trường THPT Nguyễn Quang Diêu, TX. Tân Châu) cho biết: “Dù có nhiều hình thức đọc sách nhưng em vẫn dành thời gian cho những trang sách giấy. Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được tổ chức chính là cơ hội để mỗi học sinh được tiếp cận nguồn tri thức vô tận của nhân loại, giúp chúng em trau dồi nhân cách, định hướng nghề nghiệp, tương lai của mình, thắp lên những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ”.
Trả lời câu hỏi đề xuất nhiều kế hoạch hành động, sáng kiến lan tỏa văn hóa đọc, Anh Thư cho biết, có thể thực hiện dự án “ngôi nhà ước mơ”, để người dân ở vùng kinh tế khó khăn có điều kiện tiếp cận chuyên sâu về sách vở. Có thể xem “ngôi nhà ước mơ” là một thư viện “0 đồng”, ở đó có hàng ngàn đầu sách, với nhiều nội dung, thể loại phục vụ nhu cần đọc sách của người dân. Những người quản lý dự án “ngôi nhà ước mơ” có nhiệm vụ tuyên truyền, lan tỏa đến người dân về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc đọc sách, đặc biệt là việc giữ gìn tốt thư viện “0 đồng” để nhiều thế hệ sử dụng.
“Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay”. Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động từ năm 2019 nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Từ đó, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Là giáo viên đạt giải “Cán bộ phát động, hướng dẫn kiểm tra, tập hợp chọn bài dự thi đạt chất lượng cao”, cô Phạm Thị Kim Dung (Trường THPT Nguyễn Quang Diêu) cho hay: “Từ khi biết đến cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, tôi vô cùng tâm đắc và luôn khuyến khích học sinh tham gia. Tôi nghĩ, cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức... góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Nhà trường luôn khuyến khích các em đọc sách bằng nhiều hình thức như xây dựng không gian đọc xanh - sạch - đẹp với nhiều thể loại sách. Xen kẽ những tiết chào cờ sẽ có tiết mục giới thiệu sách hay cho học sinh toàn trường. Đồng thời, lồng ghép những mẫu chuyện về tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, giúp học sinh hình thành tình yêu với sách và tìm đến sách như một “món ăn tinh thần” hữu ích”.
PHƯƠNG LAN