Trước đó, trong 2 ngày 18 và 19-5, đàn heo của ông Hồng bị sốt, bỏ ăn, nên báo cho cán bộ thú y giám sát dịch bệnh để được hướng dẫn. Sáng 21-5, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu máu heo bệnh gửi xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với bệnh dịch. Từ 18 giờ 30 phút đến 24 giờ cùng ngày, địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các lực lượng chức năng tiêu hủy 27 con heo mắc bệnh.
Hiện, TP. Long Xuyên đã thành lập chốt chặn 2 đầu của ổ dịch, khống chế không cho lượng heo ra vào vùng dịch, không để phát tán dịch; điều tra các hộ nuôi heo trong vùng để phòng ngừa, tránh xảy ra lây lan. Đồng thời, tổ chức rà soát, vệ sinh tiêu độc, khử trùng tất cả đàn heo trong phạm vi bán kính 3km nơi giáp ranh vùng dịch, gồm các phường: Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Hòa và Mỹ Quý; theo dõi, giám sát đàn heo để lấy mẫu khi có nghi ngờ.
Riêng UBND phường Mỹ Thạnh thành lập 4 tổ: phản ứng nhanh, chốt chặn kiểm dịch, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc và thông tin tuyên truyền; 13 phường, xã trên địa bàn TP. Long Xuyên tiến hành khảo sát, đề xuất vị trí chôn lấp để chủ động tiêu hủy khi phát hiện thêm trường hợp heo mắc bệnh dịch. Địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đến tận hộ dân; thành lập ngay các đội tuần tra, kiểm soát liên ngành trên địa bàn, tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc.
Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương cho biết, bệnh dịch tả heo Châu Phi chỉ gây bệnh trên heo, không lây truyền sang người. Khi sử dụng các sản phẩm của heo, chỉ cần đảm bảo đã được các cơ quan kiểm định, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, đặc biệt phải nấu chín. Người dân không nên hoang mang dẫn đến việc tẩy chay thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo.
Tuyên truyền thông tin dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi heo
TP. Long Xuyên và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh họp khẩn cấp vào tối 21-5 đề ra giải pháp xử lý dịch
UBND TP. Long Xuyên báo cáo nhanh tình hình ổ dịch trong cuộc họp trực tuyến sáng 22-5
Tin, ảnh: GIA KHÁNH