Tìm kiếm nhân tố mới cho nhà trường quân đội

25/04/2024 - 03:49

 - Quý I và II hàng năm, công tác tuyển sinh quân sự (TSQS) vào học viện, nhà trường trong quân đội lại được ban TSQS các cấp đẩy mạnh thực hiện, theo kế hoạch dài hơi. Bởi, việc lựa chọn thí sinh đủ điều kiện tuyển sinh rất khó khăn, trải qua nhiều quy trình nghiêm ngặt, cần chuẩn bị sớm ngay từ đầu.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh An Giang (cơ quan thường trực Ban TSQS tỉnh), năm 2023, toàn tỉnh có 60 thí sinh trúng tuyển vào các học viện, nhà trường quân đội. Học viện Biên phòng có thí sinh trúng tuyển nhiều nhất (12 thí sinh); tiếp đến là Trường Sĩ quan Chính trị (10 thí sinh), Trường Sĩ quan Lục quân 2 (8 thí sinh). TX. Tịnh Biên dẫn đầu toàn tỉnh với 11 thí sinh trúng tuyển, huyện Tri Tôn 8 thí sinh; TP. Châu Đốc và huyện Phú Tân mỗi đơn vị có 7 thí sinh trúng tuyển. Năm 2023, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đạt 24,7%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự tỉnh (11,7%). Tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều có thí sinh trúng tuyển.

Đây là kết quả rất đáng khích lệ, góp phần tích cực vào công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Kinh nghiệm của tỉnh là phát huy tối đa vai trò ban giám hiệu trường THPT, giáo viên và phụ huynh học sinh, đội ngũ cán bộ làm công tác TSQS các cấp. Tất cả chủ động tuyên truyền, tổ chức đăng ký sơ tuyển đúng quy định. Hoạt động ban TSQS đi vào nền nếp, với quy trình và phương pháp làm việc chặt chẽ.

Học sinh tìm hiểu thông tin về tuyển sinh quân sự

Giữa tháng 4/2024, tại Trường THPT Cần Đăng (huyện Châu Thành), sáng sớm, học sinh khối 11, 12 đã có mặt đông đủ, tham dự buổi tư vấn TSQS do Ban CHQS huyện tổ chức. Sau khi nghe giới thiệu về cách thức, điểm chuẩn, chỉ tiêu TSQS của từng nhà trường quân đội, nhiều học sinh hỏi rõ thêm: Quá trình xác minh lý lịch thế nào; phương pháp học tập trong nhà trường quân đội; việc làm sau khi tốt nghiệp…

“Quá trình thực hiện công tác TSQS, chúng tôi nhận được sự quan tâm rất lớn từ học sinh. Năm 2023, toàn huyện có 36 em đăng ký, 16 em đủ điều kiện sức khỏe, 2 em thi đậu vào Trường Sĩ quan Công binh và Trường Sĩ quan Chính trị. Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký tăng cao (47 em), 24 em đủ điều kiện sức khỏe, trong đó có 1 học sinh nữ. Kết quả này đến từ việc nỗ lực tuyên truyền, hướng nghiệp TSQS tại 4 trường THPT trên địa bàn, định hướng sớm để các em có bước chuẩn bị hồ sơ, ôn tập phù hợp” - thiếu tá Đinh Văn Hải, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Châu Thành cho biết.

Lê Võ Nhã Uyên (lớp 12A4, Trường THPT Cần Đăng) dễ dàng vượt qua giai đoạn xác minh lý lịch, bước gần hơn tới mục tiêu trở thành học viên Học viện Hậu cần. Uyên chia sẻ: “Em muốn góp sức mình vào phát huy truyền thống gia đình, truyền thống xã Cần Đăng anh hùng. Qua nghiên cứu, em hiểu được môi trường quân đội có đãi ngộ tốt, chế độ học tập, rèn luyện khoa học, kỷ luật. Sau khi ra trường, học viên không cần lo lắng về việc làm. Đây là ước mơ từ nhỏ của em, cũng là định hướng của gia đình”.

Năm nay, ngoài 2 phương thức xét tuyển đã thực hiện năm 2023 (xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT), các trường Quân đội có thêm 2 phương thức xét tuyển mới. Thứ nhất là xét tuyển dựa vào học bạ THPT, không quá 10% chỉ tiêu cho đối tượng đã tốt nghiệp THPT, có điểm tổng kết chung từng năm học THPT từ 7,0 trở lên, điểm tổng kết các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từng năm học đạt từ 7,5 điểm trở lên.

Riêng đối với tuyển sinh tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y, căn cứ mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh, Giám đốc Học viện báo cáo, đề xuất Trưởng ban TSQS Bộ Quốc phòng về việc sử dụng phương thức này để xét tuyển.

Phương thức thứ hai là xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức, không quá 20% chỉ tiêu cho thí sinh. Cụ thể, xét tuyển với thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 75 điểm trở lên (thang điểm tối đa 150 điểm), hoặc có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh từ 600 điểm trở lên (thang điểm tối đa 1.200 điểm).

Theo Ban TSQS tỉnh, phát huy kết quả hàng năm, năm 2024, toàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng nghiệp TSQS nhằm tăng cường quảng bá, thu hút ngày càng nhiều thí sinh tham gia dự tuyển, đào tạo tại các nhà trường quân đội. Nội dung tuyên truyền được chọn lọc, chất lượng, cập nhật đổi mới về công tác TSQS theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng. Trong đó, 3 nội dung được chú trọng là tuyên truyền, hướng nghiệp trên phương tiện truyền thông đại chúng (từ tháng 3 đến tháng 5); tư vấn tuyển sinh, tuyên truyền, hướng nghiệp trực tiếp tại ban TSQS cấp huyện, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (từ tháng 3 đến tháng 4); tham gia hội thi tuyên truyền hướng nghiệp TSQS cấp Quân khu 9. Quá trình tư vấn xét tuyển diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8.

“Ban TSQS cấp huyện phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền, phòng giáo dục và đào tạo, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giúp thí sinh, gia đình nắm vững quy chế, thông tin liên quan đến TSQS. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nâng cao trách nhiệm, tình cảm, thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển. Ban TSQS huyện Châu Thành, Chợ Mới chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp các trường THPT trên địa bàn, đảm bảo Trường Sĩ quan Đặc công tổ chức tuyển sinh, tuyên truyền hướng nghiệp (giữa tháng 5) hiệu quả” - đại tá Thạch Thanh Tú, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh An Giang nhấn mạnh.

GIA KHÁNH