Tìm ra phương thức sản xuất phù hợp để hạn chế tác động của hạn mặn

21/06/2020 - 07:54

Long An là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập với tổng diện tích thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 là 2.752 ha, thiệt hại gần 55,5 tỷ đồng.

Hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mức độ gây thiệt hại giảm đáng kể là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020.”

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức vào ngày 20-6 ở thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, thời gian tới, do tác động, thách thức từ biến đổi khí hậu, yếu tố tác động từ thượng nguồn và một số yếu tố khác sẽ tiếp tục tác động tổn thương đến sản xuất, đời sống dân sinh.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Bình-TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng xác định kịch bản nhiều yếu tố cực đoan hơn chứ không phải mốc lịch sử hạn mặn năm 2019-2020 đã là mốc lịch sử cuối cùng.

Do đó, phải ý thức được, chủ động thích ứng, coi đây là điều hiển nhiên, bắt buộc chúng ta phải thích ứng. Từ đó, tất cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, người dân cùng vào cuộc. Từng địa phương, ngành huyện và vùng phải có từng giải pháp thiết thực, cụ thể trong phòng chống hạn mặn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vấn đề cốt lõi là tìm ra những đối tượng sản xuất, phương thức sản xuất phù hợp nhất để không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực, mà còn khai thác được những lợi thế, nâng cao giá trị do thay đổi được trục sản xuất, cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng. Đây mới là mục tiêu cuối cùng hướng đến trong phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân giảm thiệt hại trong thời gian qua là do việc dự báo xâm nhập mặn đã được các đơn vị chuyên ngành dự báo khí tượng thủy, dự báo thủy văn chuyên dùng của các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện tốt; trong đó, việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn giúp việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng nguồn nước.

Cùng với đó, sự chỉ đạo điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành đã giúp các địa phương và các cơ quan liên quan có kế hoạch thực hiện sớm các giải pháp phòng, chống hạn hán thiếu nước xâm nhập mặn.

Đặc biệt, việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Việc nạo vét lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm, đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát và hỗ trợ kiểm soát xâm nhập mặn cho gần 400 nghìn ha đất nông nghiệp, giảm thiểu phần lớn thiệt hại.

Bên cạnh đó, việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn.

Tim ra phuong thuc san xuat phu hop de han che tac dong cua han man hinh anh 1

Trao tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2019-2020 vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thanh Bình-TTXVN)

Việc nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn giúp người dân chủ động có phương án ừng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, dẫn đến làm thiệt hại giảm thiệt hại rất nhiều.

Đồng thời, việc chủ động tích trữ nước sớm, tại chỗ của người dân ngay trong mùa mưa (bể, bồn, lu, túi đựng nước, thiết bị xử lý nước,…); lắp đặt các vòi nước công cộng; sử dụng các phương tiện di động để chở nước đến từng cụm dân cư, hộ gia đình đã mang lại hiệu quả cao trong việc duy trì nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân….

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xâm nhập mặn thời gian qua đã ảnh hưởng đến 10-13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g-l là 1.688.600 ha, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng.

Cụ thể, vụ Mùa 2019 trên đất lúa tôm, diện tích bị thiệt hại chủ yếu tại tỉnh Cà Mau là  14.000 ha mất trắng; riêng vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích lúa đã bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 41.900 ha-1.541.000 ha, tổng diện tích gieo trồng toàn vùng, chiếm tỷ lệ 2,7%; trong đó, thiệt hại mất trắng (trên 70%) là 26.000 ha gồm Trà Vinh 14.300 ha, Tiền Giang 4.500 ha, Sóc Trăng 4.100 ha.

Diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng khoảng 6.650 ha; trong đó, thiệt hại trên 70% (355 ha). Diện tích cây rau màu bị ảnh hưởng khoảng 1.241 ha; trong đó, thiệt hại mất trắng là 541 ha; nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 8715 ha. …

Long An là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập với tổng diện tích thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 là 2.752 ha, ước tính thiệt hại gần 55,5 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Cần ,Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho hay, trước những dự báo của ngành chức năng, tỉnh đã triển khai đắp 2 đê quây kết hợp ngăn mặn tại huyện Thạnh Hoá đắp 4 đập tạm ngăn mặn trên các kênh, rạch cắt ngang Quốc lộc 62 (rạch Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, kênh Bến Kè), kịp thời ngăn mặn cho 62 nghìn ha vùng dự án Bắc Đông của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang.

Bên cạnh đó, 32 đập tạm trên các kênh nội đồng tại huyện Thủ Thừa, Tân Trụ được lắp đặt máy bơm và tổ chức bơm nước nhiều cấp chống hạn. Phối hợp tỉnh Tiền Giang mở các cống Rạch Gốc, Cầu Quán, Quản Thọ để dẫn nước ngọt từ Hệ thống Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp về vùng Bảo Định, tạo nguồn nước tưới cho trên 10 nghìn ha cây thanh long của huyện Châu Thành.

Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, bài học kinh nghiệm rút ra trong việc ứng phó tình trạng hạn mặn, xâm nhập mặn có hiệu quả nhất, đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ và người dân về phòng chống hạn, xâm nhập mặn nói chung cũng như các cấp dự báo về hạn mặn, tuân thủ lịch thời vụ của người dân.

Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu lại giống cây trồng chất lượng cao, giống chịu mặn phèn cho những vùng thiếu nước tưới và bị xâm nhập mặn.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả; giải pháp công trình cũng là một trong những khâu then chốt quan trọng trong việc ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn như nạo vét các kênh tạo nguồn và kênh nội đồng, xây dựng các cống điều tiết ngăn, trữ ngọt.

Theo THANH BÌNH (Vietnam+)