Theo chương trình mới, HS phải chủ động chiếm lĩnh kiến thức
Theo Ban Giám hiệu nhà trường, hiệu quả đầu tiên có thể kể đến chính là xây dựng chương trình giảng dạy ngày càng tốt hơn, từ thiết kế chương trình trên nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, liên thông, tinh giản đến việc xây dựng các chủ đề dạy học. Ví dụ, với môn Sinh học lớp 10 và 11, 100% các tiết dạy theo bài, theo tiết, theo chương được cơ cấu, tinh gọn thành các chủ đề. Đối với môn Tin học, chuyển hẳn sang dạy Word 2010, 2016, tăng thời lượng hướng dẫn HS thiết kế website đơn giản, tạo blog, hướng dẫn những quy định mới của pháp luật về việc sử dụng Internet và văn hóa tham gia mạng xã hội.
Hiệu quả của chương trình còn biểu hiện rõ nét hơn ở sự đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Giáo viên (GV) thiết kế các bài học từng bước theo định hướng thiết kế chuỗi các hoạt động, trong đó chú trọng đến cách giao nhiệm vụ của thầy, khả năng thực hiện nhiệm vụ của trò, cuối cùng là sự nhận thức đúng về kiến thức của tất cả các HS. Trong các tiết dạy thao giảng, nhà trường yêu cầu phải thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy HS là trung tâm theo quy trình 5 bước: khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng và tìm tòi mở rộng. Qua đó, HS chủ động chiếm lĩnh kiến thức thông qua tổ chức và định hướng của GV, từng bước hình thành các năng lực cần có của HS.
Trường còn đặt một số yêu cầu về kỹ thuật dạy học đối với GV trong các giờ dạy có nhận xét, đánh giá như: sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ thông tin; khả năng xử lý tình huống, khả năng tập dượt cho HS biết phát hiện, đặt vấn đề, giải quyết vấn đề gặp phải trong học tập, trong cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội; khả năng tổ chức, điều khiển có hiệu quả các hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm. Cùng với đó là đa dạng hóa hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học của HS. Năm qua, nhà trường đã tổ chức các hoạt động theo cách thức trên như: xây dựng chủ đề dinh dưỡng mùa thi, tìm hiểu hoa tại Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp); tham quan Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi huyện Tịnh Biên, nghiên cứu hệ sinh thái tại rừng tràm Trà Sư; trải nghiệm 24 giờ là sinh viên tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh)…
Nhà trường còn đổi mới công tác kiểm tra đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, thường xuyên phát biểu đóng góp xây dựng bài, tham gia đầy đủ các tiết học, các hoạt động, có thể cho điểm hay ưu tiên cộng điểm vào các nhiệm vụ trong dự án học tập gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, đánh giá qua bài thuyết trình một nội dung kiến thức, đánh giá thông qua các hoạt động giáo dục tập thể, ngoài lớp học, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; chuyển dần từ kiểm tra kết quả ghi nhớ kiến thức sang khả năng tự học, năng lực sáng tạo, khả năng hợp tác, diễn thuyết, trình bày, đánh giá vì sự tiến bộ của HS.
“Việc định hướng dạy học phát triển năng lực và phẩm chất HS là cách dạy mới mẻ và khoa học, giúp HS làm chủ và biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Đó là hành trình đầy gian nan, do vậy chúng tôi rất cần sự hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng thời sẽ tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu từ các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác này”- đại diện Ban Giám hiệu nhà trường chia sẻ.
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, các phẩm chất định hướng giáo dục gồm5 phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm (trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội và môi trường sống).Các năng lực định hướng giáo dục gồm: nhóm các năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; nhóm các năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định (năng lực ngôn ngữ (sử dụng Tiếng Việt,sử dụng ngoại ngữ); năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên, năng lực tìm hiểu xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học. |
Bài, ảnh: NGỌC GIANG