Bộ tranh ''Vạn cổ anh linh'' (có nghĩa là muôn thuở linh thiêng) của họa sỹ Trần Tuấn Long. (Ảnh: Họa sỹ cung cấp)
Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, họa sỹ Trần Tuấn Long (thành viên nhóm Sơn Ta) trưng bày loạt 20 tranh sơn mài khổ lớn, khai thác đề tài tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Triển lãm có tên "Vân Du," được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Thành Đông Babeeni (phường Tân Bình, Hải Dương) từ 17h ngày 8/3.
20 bức tranh sơn mài bao gồm nhiều tác phẩm mới và một số tranh đã trưng bày ở triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sỹ có tên "Giá thánh" (2017), diễn ra tại Hà Nội. Triển lãm này ra mắt nhân sự kiện năm 2016, khi tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là một hình thức tôn vinh, thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền đất trời, sông nước, rừng núi. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt còn hay được gọi là đạo Mẫu, đã hình thành từ thế kỷ 16.
Việc thực hành tín ngưỡng này đã trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và tâm thức của người dân ở nhiều địa phương trong cả nước, ở các vùng như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong đó Nam định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.
Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian (từ trang phục, âm nhạc đến hình thức hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội), việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ được coi như một "bảo tàng sống," lưu giữ lịch sử và bản sắc của người Việt. Từ đây, người Việt thể hiện quan niệm của mình về văn hóa, lịch sử, vai trò của giới và bản sắc tộc người.
Theo Vietnamplus