Tin vui cho những người mắc bệnh tiểu đường

05/06/2021 - 14:09

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đường huyết quá cao hay quá thấp đều gây hại. Các nhà khoa học mới đây đã bào chế và thử nghiệm vắc xin trị bệnh tiểu đường trên người.

Nhờ được tiêm vắc xin, lượng insulin tự nhiên trong cơ thể người bị tiểu đường loại 1 không bị sụt giảm nhanh chóng ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã thử nhiệm vắc xin chữa bệnh tiểu đường loại 1. Ở những bệnh nhân mới được phát hiện bệnh, vắc xin giúp duy trì quá trình sản xuất insulin tự nhiên của cơ thể, theo Fox News.

Bệnh tiểu đường loại 1 xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào beta trong tuyến tụy. Các tế bào beta này có chức năng tiết ra insulin, loại hoóc môn giúp tế bào hấp thụ đường glucose trong máu. Những người mắc tiểu đường loại 1 cần phải được tiêm insulin suốt đời.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể xác định chính xác lượng insulin mà người mắc tiểu đường loại 1 cần tiêm trong 1 ngày. Do đó, đường huyết của họ đôi khi quá cao hoặc quá thấp.

Đường huyết trong máu cao trong thời gian dài sẽ gây tổn hại các cơ quan nội tạng. Ngược lại, đường huyết xuống quá thấp có thể dẫn đến co giật, thậm chí tử vong.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học muốn dùng vắc xin để làm chậm hoặc ngăn chặn hệ miễn dịch phá hủy tế bào beta. Cách này sẽ giúp cơ thể vẫn duy trì sản xuất insulin tự nhiên.

Với những người mắc bệnh tiểu đường, nếu cơ thể họ có thể tiết ra insulin tự nhiên thì dù lượng insulin đó không đủ nhu cầu hằng ngày nhưng vẫn có thể ngăn đường huyết xuống mức quá thấp, tiến sĩ Johnny Ludvigsson, giáo sư y sinh tại Đại học Linköping (Thụy Điển) và là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Vắc xin được bào chế chủ yếu từ a xít glutamic decarboxylase (GAD). Đây là loại protein có thể bám vào bề mặt các tế bào beta, từ đó giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình hệ miễn dịch làm hư hại loại tế bào này.

Nhóm khoa học đã thử nghiệm vắc xin trên 109 người mắc tiểu đường loại 1. Tất cả đều có tuổi từ 12 đến 24 và chỉ mới được chẩn đoán bệnh trong vòng 6 tháng. Trong đó, có những người mang giee HLA-DR3-DQ2, loại gien làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 1.

Một nửa trong số này được tiêm 3 mũi vắc xin vào các hạch bạch huyết. Mỗi lần cách nhau 1 tháng. Một nửa còn lại được tiêm giả dược.

Kết quả cho thấy ở những người mang gien HLA-DR3-DQ2 được tiêm vắc xin, lượng insulin tự nhiên mà cơ thể họ tiết ra không bị sụt giảm nhanh chóng như những bệnh nhân khác.

Điều này mở ra hy vọng cho những người mắc tiểu đường loại 1. Các nhà khoa học dự tính sẽ tiếp tục nghiên cứu vắc xin và tiến hành thử nghiệm trên quy lớn hơn để tìm ra loại thuốc hiệu quả nhất để trị tiểu đường loại 1, theo Fox News.

Theo NGỌC QUÝ (Thanh Niên)