Tịnh Biên tích cực phòng, chống dịch sốt xuất huyết

09/08/2022 - 07:11

 - Với diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của nhân dân.

Triển khai đồng loạt

Bác sĩ Nguyễn Văn Cứng (Giám đốc Trung tâm Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người huyện Tịnh Biên) thông tin: “Đến cuối tháng 7/2022, toàn huyện có 850 ca mắc SXH, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người huyện Tịnh Biên (gọi tắt là Ban Chỉ đạo huyện) đã tập trung lực lượng để xử lý các ổ dịch, cũng như tổ chức nhiều đợt vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Nhờ đó, dịch bệnh dần được kiểm soát ở những địa bàn có nhiều ca mắc SXH trong những ngày qua”.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo huyện đã phát động chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh SXH chủ động đợt II/2022. Chiến dịch với mục tiêu đưa các hoạt động phòng, chống dịch SXH đến tận hộ gia đình, tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp loại trừ lăng quăng. Nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh SXH, cách lan truyền và tập quán sinh sản của loài muỗi aedes aegypty để người dân tự biết cách phòng bệnh cho gia đình.

Kiểm tra, xử lý các dụng cụ chứa nước có lăng quăng

Bên cạnh, cũng huy động cộng đồng và các lực lượng xã hội cùng tham gia tạo ra phong trào phòng, chống dịch rộng khắp trên toàn huyện, nhằm hạ thấp mật độ muỗi vằn trong thời gian ngắn nhất để giảm nhanh sự lan truyền bệnh SXH. Nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở, cùng vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch SXH nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

“Chúng tôi sẽ thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng theo định kỳ thứ 6 hàng tuần tại 14 xã, thị trấn trên toàn huyện, bắt đầu từ ngày 1/7/2022, với các hoạt động: Vận động người dân tham gia diệt lăng quăng; vệ sinh môi trường xung quanh nơi cư trú, phát quang bụi rậm không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống muỗi đốt để ngăn ngừa bệnh SXH… Bởi lẽ, SXH chỉ bị đẩy lùi khi cộng đồng cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chứ không thể chỉ dựa vào nỗ lực một vài ngành, tổ chức hay địa phương cụ thể” - bác sĩ Nguyễn Văn Cứng phân tích.

Đến nay, Ban Chỉ đạo huyện và các xã, thị trấn đã tích cực thực hiện và duy trì thường xuyên các chỉ tiêu phòng, chống dịch SXH, như: trên 95% hộ gia đình được vãng gia trong ngày chiến dịch; trên 95% hộ gia đình không có lăng quăng sau chiến dịch; chỉ số breteau, chỉ số nhà có lăng quăng, chỉ số vật chứa dương tính sau chiến dịch đạt tỷ lệ cho phép… Nhờ đó, số ca SXH trên địa bàn huyện đã được kiểm soát tốt và đang giảm dần trong thời gian gần đây.

Phát huy ý thức của mỗi gia đình

Là địa bàn có dịch SXH diễn biến phức tạp của huyện Tịnh Biên, thị trấn Nhà Bàng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân, phát huy ý thức của mỗi người trong việc chung tay dập dịch.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhà Bàng Trương Hữu Trung cho biết: “Từ đầu năm tới nay, địa bàn thị trấn xuất hiện 144 ca SXH, cao hơn cả năm 2021 với 129 ca. Do đó, chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH, mà chủ yếu là đẩy mạnh chiến dịch diệt lăng quăng không cho muỗi sinh sản. Đến nay, các biện pháp phòng, chống dịch đã cơ bản phát huy hiệu quả với số ca bệnh đang giảm dần”.

UBND thị trấn Nhà Bàng đã phối hợp Trung tâm Y tế huyện, lực lượng sinh viên tình nguyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chiến dịch diệt lăng quăng, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Trong đó, tập trung vào các khu vực đông dân cư có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Ngoài các ổ dịch đã dập xong, UBND thị trấn Nhà Bàng còn liên hệ với ngành y tế nhận thêm hóa chất diệt muỗi để phun thêm ở những khu vực được đánh giá là có nguy cơ bùng phát dịch, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

“Cái khó hiện nay là ý thức người dân về SXH vẫn chưa cao, vì họ quan niệm rằng, việc dập dịch đã có địa phương và ngành y tế phụ trách. Hơn nữa, người dân chỉ nghĩ cách dập dịch SXH chủ yếu là phun thuốc trừ muỗi, mà quên rằng diệt lăng quăng mới cho hiệu quả triệt để. Do đó, chúng tôi luôn yêu cầu lực lượng dập dịch phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân. Nếu cần, phải kiểm tra từng vật dụng chứa nước và yêu cầu hộ dân xử lý đúng cách, để đảm bảo không có nơi cho muỗi sinh sản, không có lăng quăng gây nên ổ dịch” - ông Trung cho hay.

Ngoài thị trấn Nhà Bàng, các địa phương khác trên địa bàn huyện Tịnh Biên tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo huyện. Trong đó, biện pháp chủ yếu là thực hiện hoặc yêu cầu người dân đổ bỏ và cọ rửa các dụng cụ chứa nước có lăng quăng, đậy kín các dụng cụ trữ nước sinh hoạt, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, tuyên truyền và phân phát các tờ bướm cho các hộ gia đình…

Với nỗ lực của Ban Chỉ đạo huyện và các xã, thị trấn, Tịnh Biên đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch SXH với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh phát sinh trong cộng đồng. Qua đó, đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân trước sự đe dọa của dịch bệnh SXH, nhất là trong thời điểm mùa mưa với nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao nhất trong năm.

THANH TIẾN