Tình hình COVID-19 hết ngày 6-5 tại ASEAN: Toàn khối có trên 51.700 ca mắc, Singapore vượt mốc 20.000 ca

07/05/2020 - 07:56

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 6-5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 51.717 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.685 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Singapore ghi nhận ca mắc cao nhất khối, tiếp đó là Indonesia và Philippines. Các nước không ghi nhận ca mắc nào là Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam.

Về số ca tử vong trong ngày, Indonesia là nước có nhiều ca nhất khối với 895 ca. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất ASEAN trong 24 giờ qua với 23 ca. Các nước gồm Lào, Campuchia, Việt Nam và Timor-Leste chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Singapore có 788 ca mắc bệnh trong 24 giờ

Trong số các ca nhiễm mới có 11 người Singapore, trong khi lao động nhập cư sống trong các khu nhà dành cho lao động nước ngoài chiếm đa số các ca còn lại. Con số lây nhiễm ngoài cộng đồng và số ca nhiễm không rõ nguồn gốc đã và đang giảm dần. Hiện Singapore có 1.513 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện, 18 người tử vong.

Tính từ ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23-1, sau khoảng 13 tuần Singapore, ghi nhận số ca nhiễm lên trên 10.000 người vào ngày 22/4. Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần qua, số bệnh nhân tại nước này đã tăng gấp đôi.

Tính tới nay, Singapore có số ca mắc nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, chiếm 39% tổng số ca toàn khối.

Indonesia đặt mục tiêu khống chế dịch trong tháng 5 và 6

Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 6-5. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặt mục tiêu “ép phẳng” đường cong biểu đồ dịch COVID-19 tại Indonesia trong tháng 5 này và khống chế các ca nhiễm mới trong tháng 6 tới.

Phát biểu trong cuộc họp nội các trực tuyến ngày 6-5 bàn về dự thảo ngân sách nhà nước năm 2021, Tổng thống Widodo cũng đặt mục tiêu đến tháng 6 - tháng 7 tới phải đưa đất nước trở lại tình trạng an toàn, theo đó yêu cầu lực lượng chuyên trách chống COVID-19 của chính phủ nỗ lực giảm số ca lây nhiễm và tử vong.

Để đạt được các mục tiêu trên, Tổng thống Widodo kêu gọi chính phủ, các tổ chức xã hội, các tình nguyện viên, các đảng phái chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân phối hợp tốt trong cuộc chiến chống đại dịch. Người đứng đầu nhà nước Indonesia tin tưởng tất cả các kế hoạch phòng chống dịch của chính phủ sẽ đạt được hiệu quả nếu toàn xã hội tuân thủ các hạn chế và thực hiện nghiêm các hướng dẫn y tế.

Cuối cùng, Tổng thống Widodo cũng yêu cầu chính quyền các cấp thực sự tuân thủ các nguyên tắc quản trị tốt, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 6-5. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết nước này nhận được 101 gói hỗ trợ quốc tế với tổng giá trị 80,1 triệu USD để ngăn chặn, xử lý và ứng phó với đại dịch COVID-19. Các gói hỗ trợ trên đến từ 9 quốc gia, 9 tổ chức quốc tế và 83 tổ chức phi chính phủ, với nhiều hình thức khác nhau, từ trợ cấp tiền mặt đến tài trợ hàng hóa.

Cũng trong ngày 6-5, Chính phủ Indonesia thông báo virus SARS-CoV-2 lây lan tại nước này khác với 3 chủng virus, được đặt tên là S, G và V, đang hoành hành ở các nước khác trên thế giới. Theo Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro, kết luận trên được đưa ra dựa vào kết quả phân tích 3 trình tự gen của virus SARS-CoV-2 thu thập tại Indonesia và được Viện Sinh học Phân tử Eijkman gửi tới Tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID). Các mẫu mà Indonesia gửi tới GISAID nằm trong số các mẫu chưa xác định.

Ngày 6-5, tại phiên điều trần trước Ủy ban VI của Hạ viện về Giám sát Giao thông, Bộ trưởng Giao thông vận tải Budi Karya Sumadi cho biết chính phủ có thể cho phép tất cả các phương tiện giao thông công cộng bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày 7-5. Tuy nhiên, Indonesia vẫn cấm người dân về quê trong dịp lễ Idul Fitri.

Tính đến hết ngày 6-5, Indonesia ghi nhận thêm 367 ca mới, nâng tổng số ca lên 12.438 ca.

Thái Lan cân nhắc giai đoạn nới lỏng tiếp theo

Nhân viên của một trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok yêu cầu người vào tòa nhà rửa tay bằng dung dịch có cồn. Ảnh: Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Thái Lan)

Từ đầu tháng này, Thái Lan bước vào giai đoạn 1 nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới ngày 31-5.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thái Lan tiếp tục chuyển biến tích cực khi quốc gia Đông Nam Á này hai ngày liên tiếp chỉ ghi nhận một ca nhiễm. Ca COVID-19 mới nhất được công bố ngày 6-5 là một người Thái Lan trở về từ Nga. Giới chức y tế Thái Lan cùng ngày cũng xác nhận một trường hợp tử vong vì COVID-19. Trước đó, ngày 5-5, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày ít nhất trong vòng 2 tháng kể từ ngày 9-3, với chỉ một trường hợp duy nhất.

Như vậy, Thái Lan đến nay có tổng cộng 2.989 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 55 trường hợp tử vong. Thái Lan cũng đã chữa khỏi cho 2.761 bệnh nhân COVID-19, trong khi vẫn còn 173 trường hợp đang được điều tại tại các cơ sở y tế.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết quốc gia Đông Nam Á này đang chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại tiếp theo sau khi cho phép một số địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ông Prayut cũng nêu khả năng giới hạn số lượng người được vào các trung tâm thương mại trong cùng một thời điểm, cũng như hạn chế thời gian mua sắm chỉ trong vòng 2 giờ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Nhân viên của một trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok kiểm tra thân nhiệt của người vào tòa nhà. Ảnh: Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Thái Lan)

Do tình hình COVID-19 ở Thái Lan dường như đã được đưa vào tầm kiểm soát, Văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản (OBEC) đã quyết định để từng trường học lựa chọn mở cửa trở lại vào ngày 1-7 hoặc sử dụng phương pháp giảng dạy từ xa qua truyền hình và trực tuyến. OBEC cho biết các trường học muốn mở cửa thì trước tiên sẽ phải được phép từ các tỉnh trưởng. Nếu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong khu vực đó rất thấp, các trường được phép cho học sinh trở lại lớp học bình thường.

Nếu vẫn còn nguy cơ COVID-19, học sinh có thể được thu xếp luân phiên đến trường. Các trường học sẽ phải lập một khu vực riêng biệt để đo thân nhiệt và vệ sinh trường lớp thường xuyên. Ngoài ra, giáo viên và học sinh cũng sẽ phải tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn của Bộ Giáo dục như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Nataphol Teepsuwan, một số hoạt động ngoài trời và ngoại khóa sẽ tạm thời bị cấm để loại trừ nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Bộ Giáo dục Thái Lan cũng đã chuẩn bị hai giải pháp cho các trường học chưa thể mở lại vào ngày 1-7, đó là chương trình giảng dạy qua truyền hình vệ tinh để học sinh học từ nhà và học trực tuyến qua mạng Internet.

Lao động Campuchia mất việc vẫn chưa được hỗ trợ

Bộ Y tế Campuchia sáng 6-5 ra thông cáo cho biết trong 24 ngày liên tiếp, Campuchia không phát hiện ca nhiễm mới COVID-19. Trong tổng cộng 122 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Campuchia, 120 người đã khỏi bệnh và xuất viện.

Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia cho biết chính phủ nước này đang trong quá trình cấp tiền hỗ trợ cho những lao động bị mất việc trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tổng số tiền hỗ trợ là bao nhiêu.

Người phát ngôn bộ trên - ông Heng Sour - ngày 5-5 cho biết hiện rất khó để tính toán chính xác khoản tiền hỗ trợ vì mỗi công nhân có kinh nghiệm làm việc khác nhau. Lẽ ra lao động may mặc tạm thời mất việc đã có thể nhận tiền trợ cấp sau Tết Khmer nhưng do phải qua khóa đào tạo bổ sung kỹ năng nên hiện tại vẫn chưa nhận được tiền.

Từ tháng 3-2020, Chính phủ Campuchia đã thông báo về việc trợ cấp cho lao động mất việc vì dịch COVID-19. Người phát ngôn Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF) Meas Soksensan cho biết MEF sẵn sàng giải ngân trợ cấp theo yêu cầu của Bộ Lao động và Bộ Y tế. Campuchia đủ ngân sách để giải quyết tiền trợ cấp.

Để giảm bớt cú sốc kinh tế mà đại dịch gây ra, Chính phủ Campuchia đã công bố trích ngân sách dự trữ 2 tỷ USD để giúp các ngành trụ cột kinh tế của đất nước, bao gồm nông nghiệp và ngân hàng, đồng thời trợ cấp công nhân thất nghiệp trong lĩnh vực may mặc và du lịch. Theo đó, chính phủ đã cung cấp trợ cấp 40 USD/tháng và yêu cầu các chủ nhà máy trả 30 USD/tháng cho công nhân thất nghiệp. Ưu đãi 40 USD/tháng cũng sẽ được áp dụng cho những lao động bị ảnh hưởng trong lĩnh vực du lịch.

Theo tính toán, Chính phủ Campuchia sẽ phải chi 4 triệu USD/tháng với mức trợ cấp bình quân 40 USD/người/tháng cho 100.000 công nhân may mặc của 130 nhà máy phải ngừng hoạt động, cùng với 1,2 triệu USD cho khoảng 30.000 lao động ngành du lịch bị mất việc cho dịch COVID-19.

Malaysia ghi nhận 45 ca mới

Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 14-4. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Malaysia thông báo thêm 135 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau quá trình điều trị, nâng tổng số ca phục hồi tại nước này lên 4.702 ca, chiếm 73,1% trong tổng số ca nhiễm.

Bên cạnh đó, cơ quan y tế Malaysia cũng ghi nhận 45 ca trong 1 ngày qua, nâng tổng số ca lên thành 6.428 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 107 người, tăng 1 ca so với ngày trước đó. 44 ca mới là lây nhiễm trong cộng đồng trong khi ca còn lại là từ nước ngoài vào Malaysia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob cho biết các công dân Malaysia mắc kẹt tại các tỉnh thành trên cả nước kể từ khi lệnh hạn chế đi lại có hiệu lực vào ngày 18-3 sẽ được phép trở về nhà từ ngày 7-10-5. Quyết định nới lỏng này được đưa ra tại thời điểm Chính phủ Malaysia cho phép nối lại hầu hết các hoạt động kinh tế từ tuần này.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)