Bà Cánh (bìa trái) và những người phụ giúp ở quán cơm chay “0 đồng” không ngại vất vả để duy trì tốt quán cơm
Nắng tháng 5 oi ả, gay gắt như đổ lửa, người đi đường vội lướt qua nhau như để trốn nhanh cái nắng cháy da. Ấy vậy mà ở quán cơm “0 đồng” ấp Trung Bình này, tình người lại khiến tâm hồn người ta trở nên mát dịu. Khách đến ăn đông đảo, “người bán” rộng tâm nên chẳng mấy chốc mà cơm trong nồi hết sạch. Điều khiến chúng tôi chú ý là quán cơm ở đây chỉ có tên chung là “Quán cơm chay 0 đồng” với vài chiếc bàn nhỏ và gần 10 cái ghế, người bán đa phần là những cô, chú cao tuổi.
Quán nằm đối diện Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn, nên ngoài khách là người lao động, còn có thân nhân bệnh nhân ghé ăn. Trước khi đến quán với cái bụng đói meo thì chẳng lâu sau đó, mọi người đều vui vẻ, no nê.
Có người còn “tay xách nách mang” phần ăn cho bữa cơm chiều. Có là bao, chỉ cần bà con được no bụng, giảm bớt phần nào gánh nặng “cơm áo” là chủ quán đã vui lòng! Cứ thế, quán cơm “0 đồng” đã ra đời được gần 2 năm trong sự mừng rỡ, phấn khởi của những mảnh đời cần lao, vất vả.
Chủ quán cơm chay “0 đồng” là bà Nguyễn Thị Cánh (sinh năm 1940, ngụ ấp Tây Bình, xã Thoại Giang). Không ai nghĩ ở cái tuổi hơn 80, cụ Cánh vẫn rất nặng tình với quán cơm “0 đồng” và dành sự cảm thông, yêu thương cho những phận đời khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống.
“Đây là ý tưởng của con gái tôi. Tận dụng mặt bằng nhà, con tôi có ý sẽ mở quán cơm chay “0 đồng” giúp đỡ mọi người. Tôi đồng ý ngay. Kể từ đó, tôi gần như thay mặt các con đứng ra quản lý, trông coi quán cơm này. Đặt là quán cơm chay “0 đồng” là để mọi người đến ăn cơm thoải mái, mang tâm lý đi mua cơm, chứ không phải đến để được ban phát. Vì vậy, quán cơm chay của tôi không phân biệt khách. Ngoài người có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số, lao động tay chân… những người khác nếu thấy thích cứ ghé quán ăn bình thường. Nói chung, ai đến quán dùng bữa, chúng tôi đều rất quý và nhiệt tình đón tiếp!” - bà Cánh bày tỏ.
Từ ngày mở quán cơm chay “0 đồng”, bà con đến phụ cụ Cánh khá nhiều. Hiện, có gần 10 người đều đặn đến quán hàng ngày để phụ chủ quán nấu cơm, canh, chuẩn bị thức ăn, rửa chén dĩa, lau dọn bàn ghế… Họ đa phần là những người lớn tuổi, lấy việc thiện nguyện làm niềm vui.
Từ 7 giờ sáng, mọi người đã tập trung đến quán để chuẩn bị thực đơn ngày mới. Quán “0 đồng” nhưng thực đơn rất phong phú. Một ngày có từ 3-4 món, gồm: canh, kho, xào hay chiên… mỗi ngày, đầu bếp đều thay đổi thực đơn khác nhau để khách đỡ ngán và ngon miệng hơn.
Vất vả chuẩn bị, khoảng 10 giờ đến hơn 11 giờ quán đón thực khách vào dùng bữa. Với khoảng 15kg gạo nấu, đảm bảo hơn 120 suất ăn trong 1 ngày mà thoáng chốc đã hết sạch. Khách ăn xong không cần phải rửa chén, chỉ cần lần sau tiếp tục đến là mọi người vui lắm rồi! Nghe có vẻ khó tin nhưng đó là chuyện thường ngày ở quán cơm chay “0 đồng” của cụ Nguyễn Thị Cánh.
Lặn lội hơn 7km từ nhà đến quán cơm chay “0 đồng” ấp Trung Bình để phụ giúp, bà Nguyễn Thị Đẹp (sinh năm 1954, ngụ ấp Tây Bình, xã Thoại Giang) hào hứng cho biết, “Phụ giúp quán được gì thì giúp, chứ ở không cũng buồn. Từ ngày biết ở đây mở quán ăn “0 đồng”, tôi đã tự nguyện xin góp sức, và rủ thêm vài người quen đến tiếp. Ngoài góp sức tôi còn ủng hộ thêm vật chất để phụ tiếp chủ quán”- bà Đẹp chia sẻ. Không riêng bà Đẹp, những người khác khi đến quán ăn xong đều tự nguyện ủng hộ ít tiền hay gạo, rau củ… để chung tay làm từ thiện. Ngon và chất lượng là nhận xét của thực khách dành cho quán cơm chay “0 đồng” ở đây.
“Nhà tôi ở Kiên Giang. Mỗi tháng, tôi đều ra Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn khám bệnh. Xong đã xế trưa, lạ chỗ nên tìm quán ăn cũng khó. Tình cờ thấy có quán cơm chay “0 đồng” đối diện cổng bệnh viện, tôi ghé ăn thì được đón tiếp rất thân thiện. Thức ăn rất vừa miệng. Từ đó, mỗi khi ra khám bệnh, tôi ghé quán cơm chay “0 đồng” ăn. Nhờ thế, tôi tiết kiệm được một phần chi phí, trả tiền xăng xe” - bà Vũ Thị Cúc (ngụ xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) bộc bạch.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Thoại Giang Lê Văn Kiệt cho biết: “Xuất phát từ lòng thiện nguyện, quán cơm chay “0 đồng” của gia đình bà Nguyễn Thị Cánh mang ý nghĩa rất nhân văn, góp phần cùng địa phương giúp đỡ người có thu nhập thấp, người nghèo khó. Địa phương liên hệ các nhà hảo tâm để vận động họ ủng hộ nhằm tiếp thêm sức để quán cơm hoạt động ngày một tốt hơn”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN