Dịch COVID-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 tại Trung Quốc. Trước tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu (đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới). Đến sáng 14-7-2021, toàn thế giới có 188.614.968 ca nhiễm (đang nhiễm 12.120.844 ca), điều trị khỏi 172.428.320 trường hợp, có 4.065.804 trường hợp tử vong. Gần 18 tháng kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, tính đến sáng 14-7-2021, cả nước có 30.477 ca nhiễm SARS-CoV-2, đang điều trị 21.848 ca, điều trị khỏi 8.520 người và có 105 người tử vong.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước đã kịp thời, quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị chủ động, tích cực vào cuộc chiến. Nhân dân đồng lòng, tin tưởng, ủng hộ và thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, khuyến cáo của ngành y tế. Thực tế thời gian qua, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, gia đình đã thể hiện vai trò là một pháo đài, mỗi người dân nêu cao tinh thần chủ động, thực sự là “một chiến sĩ” trong cuộc chiến này. Thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) được xác định là vũ khí hữu hiệu để chống dịch. Đặc biệt, những nơi phải phong tỏa, những điểm cách ly tập trung nhận được sự sẻ chia về vật chất và tinh thần của nhiều nhà hảo tâm, đông đảo nhân dân đủ các lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Không chỉ phòng, chống dịch trong nước, Việt Nam còn tổ chức nhiều chuyến bay cứu trợ đến tâm dịch để đón kiều bào ta về nước; tích cực chia sẻ kinh nghiệm với các nước, tham gia hỗ trợ một số nước phòng, chống dịch COVID -19.
Đi ngược tinh thần cả nước chung tay chống dịch, thời gian qua, một số đối tượng đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước, các cấp chính quyền trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Để gia tăng quy mô, ảnh hưởng của hoạt động chống phá, nhiều tổ chức phản động lưu vong, như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, các trang VOA, RFA, Chân trời mới media, Hội anh em dân chủ… cùng một số phần tử phản động trong nước cấu kết, lợi dụng mạng xã hội để tán phát các thông tin xuyên tạc.
Đầu tháng 6-2021, trang tin RFA đăng tải bài viết cho rằng, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân là nghĩa vụ của nhà nước và kêu gọi kiều bào, người dân không tham gia đóng góp cho quỹ Vaccine. Trong khi đó, một số trang tin, tổ chức không có thiện chí với Việt Nam đã đăng tải những bài viết xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 ở trong nước, xuyên tạc tình hình dịch bệnh, tung tin về số lượng người bị nhiễm, tử vong do dịch bệnh tại các địa phương, hướng dẫn cách tự điều trị, chẩn đoán tại nhà. Họ cho rằng, tại các địa phương vẫn còn che giấu thông tin, thiếu minh bạch trong công bố số ca nhiễm, tử vong; quy kết Việt Nam chậm trễ trong việc tiêm phòng vaccine. Đồng thời, phủ nhận tính minh bạch, trung thực của hệ thống truyền thông chính thống của ta. Thậm chí, các thế lực thù địch còn lợi dụng việc phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện mưu đồ chính trị, chia rẽ chính sách đối ngoại của Đảng, nhà nước và nhân dân ta với các nước…
Lợi dụng dịch bệnh để thông tin sai trái, xuyên tạc với mục đích kích động, chống phá hay giật gân, câu view (xem)… là hành vi vi phạm pháp luật, vô cảm, vô đạo đức trong lúc dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Những luận điệu xuyên tạc với mục đích công kích, chống phá nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín đối với Đảng, nhà nước Việt Nam, đả kích thể chế chính trị Việt Nam. Trước những luận điệu xuyên tạc, mỗi cán bộ, đảng viên cần tỉnh táo, phản bác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc nêu trên. Đồng thời, gương mẫu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường truyền thông về công tác phòng, chống dịch, thông điệp “5K+vaccine” để kêu gọi mỗi người dân Việt Nam đồng lòng, nghiêm túc thực hiện.
Mỗi người dân khi phát hiện những thông tin như vậy cần cảnh giác, không chia sẻ, đồng thời lên án, đấu tranh phản bác, thông tin cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn. Sự ủng hộ, đồng lòng của toàn xã hội là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh để sớm đẩy lùi đại dịch.
M.T