Giờ ôn tập của học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: HOÀNG QUỲNH
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD và ÐT Bắc Giang Trần Tuấn Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh có nhiều giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và diện trong vùng phải cách ly, giãn cách xã hội. Mặc dù vậy, ngành giáo dục Bắc Giang tiếp tục chuẩn bị tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD và ÐT. Dự báo đến ngày thi, trên địa bàn tỉnh vẫn còn thí sinh trong diện phải cách ly, cho nên tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ GD và ÐT tổ chức thi đợt hai; có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tổ chức thi đợt hai. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD và ÐT Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn, Sở đã xây dựng dự kiến một số phương án tổ chức kỳ thi để báo cáo UBND tỉnh. Trong đó, nếu Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh, còn một số F1 thì nghiên cứu bố trí các điểm thi phù hợp; số lượng thí sinh thuộc đối tượng F1 còn nhiều, sở báo cáo tỉnh xin ý kiến Bộ GD và ÐT tổ chức thi đợt hai cho đối tượng F1 này. Phương án hai, nếu sau ngày 20 đến 25-6, tình hình dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, Bắc Ninh đề nghị Bộ GD và ÐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt hai cho học sinh toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, đã thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT; triển khai các phương án tổ chức kỳ thi để chủ động ứng phó các diễn biến phức tạp của dịch; bố trí thêm điểm thi, phòng thi dự phòng; rà soát các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2. Ðể bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh, Hà Nội đề nghị Bộ GD và ÐT hướng dẫn cụ thể đối với một số tình huống đặc biệt như: Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh diện F0 được miễn thi, nhưng nếu tổ chức kỳ thi đợt hai mà thí sinh có nguyện vọng tham gia thì có được tham gia hay không? Phương án tổ chức thi đối với thí sinh đang ở địa bàn bị phong tỏa như thế nào? Bộ GD và ÐT cần xem xét và xây dựng đề thi bảo đảm tương đồng giữa các đợt thi. Tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GD và ÐT quan tâm việc ra đề thi theo hướng giảm độ khó phù hợp thực tế. Cùng quan điểm, đại diện Sở GD và ÐT Quảng Nam cho rằng, việc học, thi trong bối cảnh dịch bệnh có những hạn chế, vì vậy đề thi cần bảo đảm vừa đánh giá được học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp, vừa phân loại, giúp các trường đại học thuận lợi trong xét tuyển. Từ thực tiễn kỳ thi năm 2020, Sở GD và ÐT Quảng Nam cho rằng, Bộ GD và ÐT khi cử cán bộ về địa phương làm công tác thanh tra phải bảo đảm không liên quan dịch Covid-19, có thông báo tình trạng sức khỏe, phải ở lại đến khi kết thúc nhiệm vụ mới được về, tránh tình trạng cán bộ, giảng viên di chuyển liên tục, khiến địa phương, nhân dân không yên tâm trong công tác tổ chức thi và phòng dịch.
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD và ÐT, tính đến 24 giờ ngày 26-5, cả nước có 18 học sinh lớp 12 trong diện F0 và 394 học sinh là F1, chủ yếu ở bốn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Ðiện Biên. Ðến thời điểm này, phương án dự kiến là tổ chức kỳ thi đúng lịch. Ban chỉ đạo thi các địa phương phối hợp các ban, ngành để phân loại đối tượng học sinh trong diện F0, F1, F2. Trong đó, thí sinh diện F0 không thể dự thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp như quy định. Thí sinh F1, F2 sẽ được tổ chức thi ở phòng thi, điểm thi riêng, trong điều kiện bảo đảm các giải pháp cách ly theo khuyến cáo y tế. Riêng thí sinh F1 đang phải cách ly tập trung sẽ tìm phương án di chuyển từ khu cách ly đến điểm thi. Thí sinh và tất cả cán bộ tham gia tổ chức thi tại điểm thi này phải sử dụng đồ phòng hộ. Bộ GD và ÐT đã tính toán, xây dựng kịch bản để ứng phó các tình huống khác nhau theo diễn biến của dịch bệnh. Trong tình huống bất khả kháng khi các địa phương có nhiều thí sinh trong diện F1, F2, Bộ GD và ÐT sẽ cân nhắc việc tổ chức đợt thi thứ hai.
Trước băn khoăn của một số địa phương đề xuất xây dựng đề thi phù hợp, đại diện Bộ GD và ÐT cho biết đã công bố đề thi tham khảo, đề thi chính thức sẽ ra theo mức giảm độ khó. Với những địa phương phải thi đợt hai, Bộ GD và ÐT sẽ bảo đảm đề thi cân bằng, có độ khó tương đương so với đề thi đợt một. Từ nay đến thời điểm thi, các địa phương cần phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị; quan tâm bố trí các điểm thi, cơ sở vật chất, thiết bị (lưu ý thiết bị công nghệ thông tin, ca-mê-ra, máy quét, phiếu trả lời trắc nghiệm...); lựa chọn cán bộ tham gia kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu và phương án dự phòng cần thiết. Bộ trưởng GD và ÐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, nhất là Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh; có hướng dẫn cụ thể tổ chức các khâu của kỳ thi bảo đảm an toàn, đồng bộ.
Theo QUÝ TÙNG (Nhân Dân)