Toàn thế giới đã vượt 318 triệu ca mắc COVID-19

14/01/2022 - 08:39

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 13-1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 318.056.163 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.533.524 ca tử vong. Trên 263,183 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 49,33 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Campuchia đang xem xét khả năng áp dụng quy định tiêm mũi vaccie tăng cường để tiến tới miễn cách ly đối với người nhập cảnh. Quy định này nhằm đảm bảo thành công của chiến dịch miễn dịch cộng đồng tại Campuchia. Bộ Y tế nước này đang tính toán áp dụng thêm điều kiện miễn cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh từ các nước khác vào Campuchia, theo đó mọi trường hợp nhập cảnh đều phải tiêm mũi tăng cường sau thời gian tối đa 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai.

Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu tăng tốc sản xuất vaccine Đỏ Trắng do nước này tự nghiên cứu và bào chế nhằm đẩy nhanh việc tiêm chủng tăng cường trong nước. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đề xuất một lộ trình sản xuất và sử dụng vaccine nội địa tại một cuộc họp diễn ra vào ngày 13/1 với sự tham dự của một số bộ trưởng và đại diện nhà sản xuất vaccine Đỏ Trắng, theo đó loại vaccine này tiêm cho người trưởng thành sẽ ra mắt chậm nhất là vào tháng 3/2022, và vaccine cho trẻ em là trước tháng 6/2022 và hạn ra mắt vaccine để tiêm mũi tăng cường là tháng 8/2022.  

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận 3.124 ca mắc mới trong ngày 13/1, vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày lần đầu tiên trong hơn 4 tháng. Thủ đô Tokyo đã nâng cảnh báo lên mức cao thứ hai từ trên xuống trong thang gồm 4 bậc. Đây là lần đầu tiên từ tháng 9/2020, cảnh báo ở cấp này được đưa ra. Chính quyền thủ đô Tokyo dự báo với đà tăng như hiện nay thì vào tuần tới, số ca mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày tới sẽ lên tới 9.576 ca/ngày. Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 6, do sự lây lan của biến thể Omicron. Cả nước đã ghi nhận 13.244 ca nhiễm trong ngày 12/1, mức cao nhất trong 4 tháng qua. 

Tại Ấn Độ, các chuyên gia dự báo số ca nhiễm mới ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và Mumbai, có thể đạt đỉnh vào tuần tới. Ngày 13/1, Ấn Độ đã ghi nhận 274.417 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất kể từ tháng 5/2020. Nếu so với cách đây 1 tháng, con số này cao gấp 30 lần. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ hiện là trên 36,32 triệu ca, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Ấn Độ mới  tiêm phòng các mũi vaccine cơ bản cho gần 70% trong số 939 triệu người dân từ độ tuổi trưởng thành trở lên. Tỷ lệ người chưa tiêm phòng khiến nhà chức trách lo ngại, nhất là khi 5 bang sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 10/2 tới.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào bệnh viện ở thành phố Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Australia ghi nhận số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay trong làn sóng mới do biến thể Omicron gây ra. Nước này đã ghi nhận tới trên 147.000 ca mắc mới, trong đó riêng bang đông dân nhất là New South Wales (NSW) có tới 92.264 ca. Dù tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện và chăm sóc tích cực đang ở mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, song nhà chức trách Australia khẳng định hệ thống y tế nước này vẫn có thể đáp ứng tốt. Tổng số ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát tại Australia hiện ở mức gần 1,4 triệu ca, trong đó có tới gần 1 triệu ca ghi nhận chỉ trong hai tuần qua - khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế và người dân thích nghi sống chung với virus SARS-CoV-2.

Đến nay, hơn 92% dân số trên 16 tuổi ở Australia đã tiêm đủ hai liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19. Nước này vẫn đang tiếp tục triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân. Thủ tướng Scott Morrison ngày 13/1 thông báo mở rộng danh sách các ngành nghề mà người lao động được miễn trừ các yêu cầu về cách ly trong trường hợp được xác định là tiếp xúc gần với người mắc COVID-19.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia thông báo giảm thời gian cách ly phòng dịch. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết thời gian tự cách ly tối thiểu đối với người mắc COVID-19 ở vùng England sẽ giảm từ 7 ngày xuống 5 ngày nếu có hai lần xét nghiệm âm tính. Động thái này sẽ giúp giảm tình trạng thiếu nhân sự cho các doanh nghiệp và quản lý cơ sở hạ tầng.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Ireland cũng thông báo một loạt thay đổi đối với các quy định hiện hành liên quan đến việc cách ly và xét nghiệm cho các ca mắc cũng như những trường hợp tiếp xúc gần. Theo đó, thời gian tự cách ly đối với người bệnh sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Các trường hợp từng tiếp xúc gần các mắc, nếu đã được tiêm mũi vaccine tăng cường và không có triệu chứng của bệnh, sẽ không phải tự cách ly trong 5 ngày. Đối với những người chưa tiêm vaccine tăng cường, nếu tiếp xúc gần các ca mắc sẽ phải tự cách ly trong 7 ngày.

Thụy Sĩ sẽ giảm một nửa thời gian cách ly phòng dịch xuống còn 5 ngày nhằm giảm bớt tác động kinh tế tiềm tàng do làn sóng dịch bệnh gây ra. Quyết định này của chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của giới chức y tế cho dù Thụy Sĩ ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày bởi biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh. Các quan chức lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm hiện nay có thể "nhấn chìm" hệ thống y tế tại Thụy Sĩ - nơi mới có khoảng 67% dân số đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19 và chỉ khoảng 30% được tiêm mũi tăng cường.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ quyết định nới lỏng thêm quy định cách ly và xét nghiệm. Theo đó, bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR vì mục đích giám sát cũng như bãi bỏ yêu cầu này đối với những người tiếp xúc gần các ca mắc. Việc xét nghiệm sẽ được tiến hành đối với các trường hợp xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh. Các trường hợp tiếp xúc gần nếu đã được tiêm phòng đầy đủ các mũi cơ bản cũng sẽ không phải cách ly. Ngoài ra, những người mắc bệnh sẽ không cần làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7 khi hết thời gian cách ly. 

Đan Mạch cũng đã đề xuất nới lỏng các hạn chế phòng dịch vào cuối tuần, trong đó có việc mở trở lại các rạp chiếu phim, các địa điểm ca nhạc. Đề xuất này được đưa ra khi tỷ lệ nhập viện giảm cho dù số ca mắc mới tăng cao kỷ lục. Chính phủ Đan Mạch cũng đã đề xuất tiêm mũi thứ 4 cho nhóm người có nguy cơ tổn thương cao, đặc biệt là những người được chẩn đoán mắc bệnh nghiêm trọng đã được tiêm mũi tăng cường đầu tiên vào mùa Thu vừa qua. Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nhấn mạnh động thái này của chính phủ đánh dấu "một chương mới" trong cuộc chiến chống COVID-19.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ishoj, Đan Mạch. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo mới về Omicron đặc biệt nguy hiểm với người chưa tiêm vaccine phòng. WHO khẳng định làn sóng lây nhiễm gia tăng hiện nay là do Omicron dần thay thế Delta trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước. Theo WHO, tính đến ngày 6/1, Omicron đã xuất hiện tại 149 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh toàn thế giới không nên chủ quan trước biến thể này, đồng thời bác bỏ những quan điểm cho rằng Omicron có thể là nhân tố tích cực chấm dứt đại dịch. Theo ông Tedros, không nên để biến thể này lây lan tự do, đặc biệt khi vẫn còn nhiều người trên thế giới chưa tiêm chủng.

Theo LÊ ÁNH (TTXVN)