Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự cuộc gặp gỡ. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Cùng tham dự cuộc gặp có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Pháp và Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội giới chủ Pháp Pierre Gattaz bày tỏ hân hạnh lần đầu tiên đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Sự hiện diện của Tổng Bí thư và Đoàn tại cuộc gặp là minh chứng cho tầm quan trọng của quan hệ hai nước.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn tới Cộng hòa Pháp lần này có ý nghĩa quan trọng, diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sau khi được ký kết và đi vào thực hiện sẽ góp phần quan trọng tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu nói chung và Cộng hòa Pháp nói riêng.
Chủ tịch Pierre Gattaz cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp có mặt tại đây đã hợp tác làm ăn tại Việt Nam, ký kết các hợp đồng lớn với các đối tác Việt Nam. Và Tổng Bí thư có thể cảm nhận như đang ở chính ngôi nhà của mình, với những người bạn thân thiết của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội giới chủ Pháp Pierre Gattaz nhấn mạnh.
Ông Pierre Gattaz cho rằng, Việt Nam đang trở thành con hổ ở châu Á, với sự phát triển kinh tế bền vững, chính phủ mở cửa sâu rộng với quốc tế, và những nỗ lực cải cách thể chế, khiến môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn, thị trường Việt Nam thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp Pháp.
Hiện nay, hơn 200 doanh nghiệp Pháp đang có mặt tại Việt Nam. Với sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác làm ăn đối với các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp Pháp.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong 45 năm qua, Pháp luôn là nước phương Tây đi đầu trong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam; quan hệ chính trị và hợp tác, giao lưu trên các lĩnh vực đều phát triển tốt đẹp, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược của nhau từ cách đây 5 năm. Nhiều doanh nghiệp Pháp đã và đang làm ăn hiệu quả tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mức độ hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn còn không ít hạn chế, kim ngạch thương mại song phương năm 2017 chỉ bằng hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, đầu tư của Pháp tại Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, vị trí và tiềm năng của hai nước.
Tổng Bí thư nêu rõ mục đích chuyến thăm Pháp lần này của Đoàn là nhằm trao đổi biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Tổng Bí thư nêu rõ, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi với gần 100 triệu dân và cơ cấu dân số vàng, kinh tế tăng trưởng trung bình hơn 7%/năm trong suốt hơn 30 năm qua, quy mô thương mại đạt 425 tỷ USD vào năm 2017.
Việt Nam đang tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2017 năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,81%, dự trữ ngoại tệ và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng mạnh, đạt mức kỷ lục.
Việt Nam có nền kinh tế có độ mở cao, là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có khu vực mậu dịch tự do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang hoàn tất Hiệp định thương mại tự do với EU.
Điều kiện, nhu cầu và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các doanh nghiệp Pháp là rất to lớn và thuận lợi. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng chất lượng và tính bền vững; ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp sinh học, hữu cơ, kinh tế số, chính phủ điện tử, y tế, văn hóa, giáo dục…
Việt Nam rất coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp của Pháp; mong muốn các doanh nghiệp Pháp tăng cường quan tâm nghiên cứu tìm hiểu và mở rộng hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Pháp phù hợp với định hướng phát triển và chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.
Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, các nhà đầu tư Pháp nói riêng. Tổng Bí thư mong rằng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Pháp sẽ kinh doanh thành công, bền vững lâu dài tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Pháp cảm ơn Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai dự án hợp tác đầu kinh doanh; bày tỏ mong muốn nâng cao chất lượng, mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam với nhiều dự án hợp tác mới.
Các nhà đầu tư Pháp đều có chung nhận định, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, cùng những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội hợp tác làm ăn lâu dài và thuận lợi. Các doanh nghiệp Pháp mong muốn đầu tư kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam.
Tại cuộc gặp, đại diện Chính phủ Việt Nam đã đối thoại với các doanh nghiệp Pháp, trao đổi về các vấn đề cụ thể nhằm tìm ra các giải pháp hợp tác hiệu quả trong từng lĩnh vực.
Tiếp đó, tại Trụ sở Hiệp hội giới chủ Pháp ở thủ đô Paris, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến một số doanh nghiệp hai nước trao 5 văn bản, thỏa thuận hợp tác. Trong đó, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Safran-CFM đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về cung cấp động cơ và các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho các tàu bay của hãng trị giá 6,5 tỷ USD.
Safran-CFM hợp tác với Vietjet trong việc cung cấp 321 động cơ, phục vụ cho 148 tầu bay của hãng, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng động cơ, đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không, nghiên cứu ứng dụng tiết kiệm nhiên liệu, quản lý kỹ thuật và xây dựng cơ sở bảo dưỡng tầm vóc khu vực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hai bên cũng đã trao các văn bản hợp tác gồm: Hợp đồng giữa Vietjet Air và Công ty Gecas France về thuê mua 6 tàu bay A321 neo trị giá 800 triệu USD.
Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tập đoàn FPT và Airbus về việc xây dựng năng lực và đội ngũ tư vấn và phát triển nền tảng dữ liệu skywise của Airbus. MOU giữa Tập đoàn FPT và Tập đoàn Geopost về việc giúp hiện đại hóa hệ thống IT, tăng hiệu quả hoạt động của Geopost.
Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn T&T và tập đoàn Boyugues về cải tạo sân vận động Hàng Đẫy, trị giá 250 triệu euro (310 triệu USD). Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mang tầm quốc tế, Bouygues cam kết hợp tác với Tập đoàn T&T trong thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, hỗ trợ đầu tư dự án.
Theo VIETNAM+