Tổng kết 5 năm Trường Đại học An Giang trở thành trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

30/08/2024 - 17:34

 - Chiều 30/8, Trường Đại học An Giang tổ chức Tọa đàm Tổng kết 5 năm trở thành trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đến dự.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, sau hơn 5 năm trở thành thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ giảng viên của trường có trình độ tiến sĩ/tổng số giảng viên tăng rất đáng kể (từ 15,4% thời điểm cuối năm 2019 lên 25,8% vào tháng 8/2024) và tỷ lệ giảng viên/sinh viên chính quy vượt so mục tiêu đề ra (1/18 so với mục tiêu là 1/20). Giai đoạn 2019 – 2024, trường đã cử 52 viên chức đi đào tạo tiến sĩ (trong nước 36, ngoài nước 16).

Tỷ lệ trúng tuyển và nhập học tại trường trong 4 năm (2020, 2021, 2022, 2023) khá cao, trung bình khoảng 100,7%; tỷ lệ học sinh có học lực loại giỏi nộp hồ sơ vào trường tăng đáng kể. Năm 2021 có 382 hồ sơ; năm 2022 có 773 hồ sơ và năm 2023 có 2.335 hồ sơ.

Đặc biệt, điểm chuẩn tuyển sinh của trường liên tục tăng qua từng năm (trung bình mỗi năm tăng từ 0,33 đến 2,56 điểm), trong đó có một số ngành điểm chuẩn hơn 27 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Số lượng sinh viên đại học chính quy tăng từ 7.500  (năm 2019) lên trên 10.000 sinh viên (tính đến tháng 12/2023); lĩnh vực đào tạo từ 11 tăng lên 12 lĩnh vực.

Trường còn thường xuyên tạo mối quan hệ gắn kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, để vận động nguồn học bổng cho sinh viên. Từ năm 2019 đến năm 2024, đã phối hợp các tổ chức, cá nhân trao 3.613 suất học bổng, với tổng giá trị trên 19 tỷ đồng. Trong đó, năm học 2023-2024 có 893 suất học bổng được trao, với tổng giá trị trên 4,6 tỷ  đồng, tăng 307 suất so năm học 2019-2020.

Tại tọa đàm, Trường Đại học An Giang cũng chia sẻ 1 số khó khăn, như: Đề án Đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động chưa đảm bảo tính khả thi để triển khai theo kế hoạch vào năm 2023, dự kiến lùi lại đến giai đoạn 2026-2030. Trong bối cảnh hiện nay và nguồn lực của trường, việc tự chủ kinh phí chi thường xuyên khi đề án này triển khai dự báo sẽ gây ra những khó khăn, thách thức đáng kể cho hoạt động của nhà trường.

Cùng với đó, các sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc chuyển giao công nghệ, sản xuất, thương mại hoá sản phẩm còn thấp, đồng thời, chưa có đất cho thực nghiệm và sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, Trường Phổ thông Thực hành sư phạm (thuộc Trường Đại học An Giang) là đơn vị giáo dục phổ thông tự chủ nhóm 3, rất cần sự quan tâm, xem xét của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh về cơ chế tự chủ đặc thù cho trường trong giai đoạn hiện tại và sắp tới khi Trường Đại học An Giang tự chủ chi thường xuyên...

PHƯƠNG LAN