Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video tại thủ đô Kiev ngày 12/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
“Tôi đã trao đổi với Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Cảm ơn sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đặc biệt là một lập trường rõ ràng tại Liên hợp quốc. Chúng tôi cũng đã thảo luận về vấn đề an ninh lương thực. Tôi đánh giá cao việc ông Widodo mời tôi đến hội nghị thượng đỉnh G20”, tờ The Hill dẫn tuyên bố của Tổng thống Zelensky trên Twitter hôm 27/4.
Ông Zelensky không nói rõ liệu ông có nhận lời mời tham dự hội nghị dự kiến được tổ chức tại đảo Bali vào tháng 11 tới hay không. Trong khi đó, tháng trước Đại sứ Nga tại Indonesia - Lyudmila Vorobieva - cho biết Tổng thống Vladimir Putin có kế hoạch tham dự sự kiện này.
Indonesia hiện giữ ghế Chủ tịch luân phiên Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Mỹ và Nga là một trong những thành viên của G20. Song Ukraine không phải là thành viên của nhóm này.
Vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi loại Nga khỏi nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tổng thống cho biết ông đã thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp với các thành viên NATO và các đồng minh châu Âu tại Brussels. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho rằng Ukraine có thể quan sát và tham dự các cuộc họp tại G20 vào cuối năm nay, nếu các quốc gia khác không đồng ý loại Nga khỏi nhóm.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bỏ qua nhiều cuộc họp của G20 vào đầu tháng này để phản đối xung đột Nga - Ukraine. Một số quan chức khác cho biết họ cũng đã rời khỏi một số của họp của diễn đàn kinh tế này.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã viết trên Twitter: “Trước đó, các đại diện của tôi, cùng với những người đồng cấp của Mỹ và Canada đã rời cuộc họp G20 ở Washington khi các đại biểu Nga phát biểu. Chúng tôi đoàn kết lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và sẽ thúc đẩy sự phối hợp quốc tế mạnh mẽ hơn nữa để trừng phạt Nga”.
Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland cũng cho biết: “Canada và một số đối tác của chúng tôi đã rời khỏi hội nghị G20 khi Nga tìm cách can thiệp”.
Xung đột Nga-Ukraine đã diễn ra gần 2 tháng mà chưa có bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, các nước phương Tây đã gửi hàng loạt vũ khí hỗ trợ Ukraine, áp lệnh trừng phạt kinh tế nghiệt ngã đối với Moskva và trục xuất nhiều nhà ngoại giao của nước này.
Tổng thống Indonesia Widodo đã quyết định mời Nga đến Hội nghị thượng đỉnh G20 với mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai bên. Quyết định của Indonesia đã bị nhiều quốc gia phương Tây phản đối. Song Đại sứ Nga tại IndonesiaVorobieva khẳng định hội nghị G20 là diễn đàn thảo luận về các vấn đề kinh tế, không phải những cuộc khủng hoảng như ở Ukraine.
“Tất nhiên việc gạt Nga khỏi diễn đàn này sẽ không giúp giải quyết những vấn đề kinh tế. Nếu không có Nga, sẽ rất khó giải quyết những vấn đề đó”, đại sứ Vorobieva nhấn mạnh. “Chúng tôi thực sự hy vọng rằng chính phủ Indonesia sẽ không nhượng bộ trước áp lực khủng khiếp mà phương Tây đang đặt ra không chỉ đối với Indonesia mà còn rất nhiều quốc gia khác”, bà nói.
Song các chuyên gia nhận định nước chủ nhà có thể tận dụng cơ hội này để đóng vai “nhà hòa giải” xoa dịu xung đột Ukraine.
Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)