Tốt nghiệp THPT 2021: Thí sinh F1, F2 được tổ chức thi như thế nào?

28/05/2021 - 19:35

Bài thi của các đối tượng F1, F2 phải để vào túi, thùng riêng, được khử khuẩn. Cán bộ dọc phách và chấm thi cũng phải mặc trang phục phòng dịch và tổ chức chấm riêng.


Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục và đào tạo đã lên phương án sẵn sàng cho việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong bối cảnh có dịch. Theo đó, ngoài các điểm thi cho các thí sinh bình thường, sẽ có phòng thi riêng cho các thí sinh nghi nhiễm, điểm thi riêng cho thí sinh thuộc đối tượng F1, F2.  

Băn khoăn tổ chức phòng thi cho F1

Với nhiều địa phương, đây là năm đầu tiên dự kiến tổ chức thi cho thí sinh diện bị nhiễm bệnh hoặc cách ly, do đó ban chỉ đạo thi một số tỉnh không khỏi băn khoăn.

Là một trong những điểm nóng dịch COVID-19 lần này, hiện Bắc Ninh đang có 15 thí sinh của kỳ thi là F0, 125 em là F1, 294 em là F2. Con số này sẽ còn biến động bởi tình hình dịch trên địa bàn vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Nguyễn Thế Sơn, quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, địa phương này đang rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể cho nhiều tình huống.

Thứ nhất là với thí sinh F0, nếu phải điều trị trong bệnh viện trước ngày thi quá 10 ngày, có xếp loại học lực và hạnh kiểm cả năm lớp 12 đều từ khá trở lên có thuộc đối tượng xét đặc cách tốt nghiệp không? Thứ hai là đối tượng F0 phải điều trị trong bệnh viện trước ngày thi không quá 10 ngày nhưng có học lực, hạnh kiểm cả năm lớp 12 xếp loại trung bình thì xem xét như thế nào?

Thứ hai là với thí sinh là F1 đang phải cách ly tập trung, cần thống nhất một số vấn đề đặt ra cũng như có hướng dẫn cụ thể về cơ sở vật chất điểm thi, học sinh, giáo viên. Cụ thể như quy định số thí sinh/phòng thi nếu tổ chức thi cho đối tượng này? Mỗi điểm thi tối đa bao nhiêu phòng thi? Điều kiện đảm bảo đối với điểm thi cho các thí sinh tham dự kỳ thi tại khu vực/phòng thi cách ly? Các quy định về phòng chống dịch đối với tất cả lực lượng tham gia thi tại đây như công tác khử khuẩn; trang thiết bị bảo hộ y tế; điều kiện sinh hoạt cho cán bộ làm thi và thí sinh; thời gian cách ly sau thời điểm thi là bao nhiêu ngày? Cán bộ tham gia thi tại điểm thi có F1 phải cách ly bao nhiêu ngày?

Ông Sơn cũng cho rằng phải tính đến việc cán bộ, giáo viên tham gia tại các điểm thi có thí sinh là F1 là ai, được cử hay huy động tình nguyện tham gia?

Thứ ba là hướng tổ chức thi cho học sinh thuộc vùng cách ly, phong tỏa. Đây là những em ở vùng cách ly, phong tỏa nhưng không thuộc diện tiếp xúc gần.

Thi riêng, chấm riêng

Trước băn khoăn của các địa phương, đại diện Bộ Y tế cho hay sẽ có văn bản gửi các địa phương. Về cơ bản, địa phương có thể lưu ý một số điểm sau trong việc tổ chức thi cho các thí sinh diện có F.

Đối với thí sinh F1, về địa điểm tổ chức thi có thể tổ chức trong hoặc ngoài, gần khu cách ly, tùy theo tình hình thực tế ở từng địa phương. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, nếu tổ chức được phòng thi cho các đối tượng ngay trong khu cách ly là tốt nhất. Nếu tổ chức ở ngoài khu cách ly sẽ kéo theo nhiều điều kiện như di chuyển, bố trí nhân lực, địa điểm... và kéo theo nguy cơ lây nhiễm.

Nếu tổ chức thi cho thí sinh F1 ở ngoài khu cách ly thì khi di chuyển thí sinh đến điểm thi phải dùng xe riêng, xe nên mở cửa sổ thông thoáng, thí sinh ngồi giãn cách trong xe. Lái xe, cán bộ đi cùng và cán bộ coi thi trong phòng thi phải sử dụng trang phục bảo hộ.

Với trường hợp thí sinh F2, theo quy định, nếu các trường hợp F1 của F2 xét nghiệm lần 1 âm tính thì F2 không phải cách ly nữa do không có khả năng lây nhiễm.

Các phòng thi cho thí sinh F2 thì thực hiện theo nguyên tắc 5K. Các thí sinh F2 có thể thi phòng thi riêng biệt ở các điểm thi. Phòng thi lưu ý bố trí thông thoáng, có cửa vào và cửa ra riêng, có dung dịch sát khuẩn để rửa tay. Khoảng cách ngồi trong phòng thi phải đảm bảo ngồi giãn cách, số lượng tùy theo diện tích phòng.

Sau khi thi, bài thi của các đối tượng F1, F2 này phải để vào túi, thùng riêng, được khử khuẩn. Chỉ khử khuẩn túi và thùng chứa bài thi, không khử khuẩn bài thi vì có thể ảnh hưởng đến bài thi của thí sinh. Cán bộ dọc phách và chấm thi cũng phải mặc trang phục phòng dịch và được chấm riêng.

Theo đại diện Bộ Y tế, cán bộ coi thi cho đối tượng F1 khi coi thi đã chủ động phòng dịch, có mặc trang phục bảo hộ nên không phải thực hiện cách ly sau khi coi thi. Trừ trường hợp thí sinh F1 sau đó xét nghiệm dương tính mới tính đến phương án cách ly cho cho cán bộ coi thi.

Với các thí sinh khác, dù không thuộc đối tượng trên cũng phải theo dõi thân nhiệt, sức khỏe ở nhà, nếu sốt, ho, khó thở, có triệu chứng nghi ngờ phải báo cáo để trưởng điểm thi tùy điều kiện thực tế sẽ bố trí vào các phòng thi dự phòng ở các điểm thi cho phù hợp và đảm bảo an toàn.

Để thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc tổ chức thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các địa phương.

Theo PHẠM MAI (Vietnam+)