Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho nhiều trẻ em mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Hiện các bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp cận được nguồn thuốc này và đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để mua sắm thuốc, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung ứng thuốc cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) được xem là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả đối với những trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng, giúp giảm tỷ lệ chuyển độ nặng cũng như giảm tỷ lệ biến chứng nặng của bệnh. IVIG là một chế phẩm của globulin người, được tổng hợp từ người hiến máu khỏe mạnh và chứa các kháng thể trung hòa chống lại các loại enterovirus khác nhau. IVIG tạo miễn dịch thụ động nhờ tác dụng làm tăng kháng thể và tăng khả năng phản ứng kháng thể - kháng nguyên.
Khác với các loại thuốc khác, IVIG được điều chế trực tiếp từ huyết tương người nên việc sản xuất sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp huyết tương thông qua hiến máu, vì thế việc tăng đột biến nhu cầu về số lượng thuốc sẽ gặp khó khăn hơn so với các loại thuốc khác. Tại Việt Nam, chế phẩm Immunoglobulin chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Trong khi đó, 2 năm qua, nguồn cung ứng huyết tương trên toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Do điều chế trực tiếp từ huyết tương người, IVIG chỉ được phép đưa ra lưu hành, sử dụng sau khi có giấy chứng nhận chất lượng do Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cấp, xác nhận lô sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Về lâu dài, theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, do bệnh tay chân miệng là một loại dịch bệnh lưu hành và sẽ còn tiếp tục diễn biến trong nhiều năm tới, do đó cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động hơn về cung ứng thuốc IVIG cho công tác phòng, chống dịch.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Bộ Y tế sớm triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm dịch bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp dược trong nước nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin từ nguồn cung ứng huyết tương sẵn có tại chỗ thông qua hoạt động hiến máu thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thuốc nhập khẩu như hiện nay.
Theo ĐINH HẰNG (TTXVN)