TP. Long Xuyên cải cách hành chính phải xuất phát từ nhu cầu người dân, doanh nghiệp

16/02/2022 - 05:18

 - Cải cách hành chính (CCHC) còn phải lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm; lấy sự hài lòng của họ là thước đo, đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Những điều đó tạo nên áp lực không nhỏ đối với chính quyền, cán bộ đảm trách nhiệm vụ CCHC. Tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) áp lực này càng nặng nề hơn.

Vượt khó đầu nhiệm kỳ

Năm 2021 là năm đầu tiên Long Xuyên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; cũng là năm đầu sau khi được công nhận đô thị loại I. Trong khó khăn chung, công tác CCHC của TP. Long Xuyên vẫn có nhiều nổi bật. Điển hình như việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), trả kết quả tại nhà không thu phí, thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

Cùng với đó là sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC liên thông. Kết quả, tỷ lệ giải quyết đúng hạn rất cao: Tiếp nhận trên 90.400 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 99,6%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 73,7%; mức độ 4 là 58,4%.

Cuối năm 2020, UBND TP. Long Xuyên công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia theo TCVN ISO 9001:2015. Sau 1 năm duy trì áp dụng, các cơ quan hành chính nhà nước tạo thói quen làm việc khoa học, hiệu quả hơn, thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đã xây dựng; lãnh đạo đơn vị điều hành công việc hiệu quả hơn, nhờ thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch và thống nhất.

Cán bộ, công chức, viên chức được phân công trách nhiệm rõ ràng; được đánh giá năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm một cách khách quan hơn; được đào tạo, tập huấn về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, được làm việc trong môi trường ngày càng tốt hơn. Người dân được hướng dẫn tận tình, trả kết quả xử lý đúng hẹn, tin tưởng chính quyền hơn.

Khen thưởng cá nhân, tập thể làm tốt công tác cải cách hành chính năm 2021

Đầu năm 2022, UBND TP. Long Xuyên phối hợp VNPT An Giang triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) Long Xuyên. Giai đoạn 1 xây dựng trung tâm giám sát điều hành các lĩnh vực hành chính công, quản lý văn bản điện tử, du lịch, y tế, lưu trú... Giai đoạn 2 triển khai các lĩnh vực còn lại thuộc đề án An Giang điện tử, như: Môi trường, quy hoạch đô thị, giao thông - vận tải...

Với quan điểm lấy người dân, DN là trung tâm, IOC thành phố được đầu tư và xây dựng trên các nền tảng công nghệ hiện đại, giúp người dân, DN có thể tiếp cận dịch vụ đô thị thông minh nhanh chóng, tiện lợi. Đồng thời, tham gia giám sát hoạt động của chính quyền thông qua ứng dụng trên thiết bị di động, mạng xã hội. Ở giai đoạn thử nghiệm, thành phố chọn 2 phân hệ để vận hành, đó là lắng nghe mạng xã hội và tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân lĩnh vực an ninh trật tự và an sinh xã hội.

Đưa vào xét điểm thi đua

Dù kết quả nhìn chung nổi bật, nhưng vẫn còn hạn chế khách quan lẫn chủ quan. Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây, tỷ lệ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa cao. Một vài đơn vị chưa thật sự chủ động nghiên cứu, tìm giải pháp đột phá để đẩy mạnh CCHC theo lĩnh vực, ngành phụ trách, nhất là chưa tìm ra sáng kiến để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Năm 2022, toàn thành phố phải thực hiện 8 nội dung, 6 lĩnh vực, 60 nhiệm vụ, gồm: 17 nhiệm vụ về công tác chỉ đạo, điều hành; 4 nhiệm vụ về cải cách thể chế; 4 nhiệm vụ về cải cách TTHC; 5 nhiệm vụ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; 9 nhiệm vụ về cải cách chế độ công vụ; 5 nhiệm vụ về cải cách tài chính công; 13 nhiệm vụ về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và đô thị thông minh TP. Long Xuyên; 3 nhiệm vụ về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001.

Những mục tiêu chính TP. Long Xuyên đặt ra năm 2022 là: 60% TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3; 50% ở mức độ 4; giải quyết từ 95% TTHC cấp thành phố, xã; 98% người dân được hỏi hài lòng về kết quả giải quyết TTHC và hài lòng với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; 90% hồ sơ công việc tại thành phố và 70% tại phường, xã được xử lý trên môi trường mạng; chỉ số CCHC (PAR INDEX) và chỉ số đo lường sự hài lòng (SIPAS) trong nhóm 5/11 huyện, thị xã, thành phố…

Do đó, TP. Long Xuyên phát động phong trào thi đua thực hiện CCHC năm 2022. “Các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực thi công vụ, đưa ra mô hình, sáng kiến để đơn giản TTHC, ứng dụng công nghệ trong giải quyết TTHC, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, tổ chức. Nội dung này được gắn vào điểm thi đua cuối năm. Kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số cải cách hàng năm đối với UBND phường, xã và cơ quan, đơn vị liên quan với công tác thi đua, khen thưởng; gắn với đánh giá, xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị” - bà Đặng Thị Hoa Rây cho biết.

GIA KHÁNH