TP. Long Xuyên đa dạng hóa mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững

13/08/2024 - 06:51

 - “Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, năm 2024, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,1%; giảm 0,12% tỷ lệ hộ cận nghèo. UBND thành phố xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp tình hình địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều thông tin.

Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, cần thực hiện xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tại TP. Long Xuyên, công tác này được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đúng quy định, ưu tiên nguồn lực.

Nhờ vậy, mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cuối năm 2022, địa phương còn 101 hộ nghèo (0,14%), 1.671 hộ cận nghèo (2,27%). Cuối năm 2023, thành phố giảm 46 hộ nghèo, hiện còn 55 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,08%.

Hiện nay, địa phương tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo năm 2024. Ban điều hành giảm nghèo phường, xã mời hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong 36 tháng để xem xét, tổ chức xây dựng, triển khai các mô hình sinh kế.

Điển hình như mô hình “Tổ hợp tác xe ôm phường Mỹ Bình”, có 7 thành viên cận nghèo đăng ký tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 250 triệu đồng (trong đó, hộ dân tham gia đối ứng 40%, tương đương hơn 100 triệu đồng). Theo lãnh đạo UBND phường Mỹ Bình, doanh thu, lợi nhuận 12 tháng từ dự án hơn 70 triệu đồng/hộ/năm và có khả năng nhân rộng trên địa bàn phường trong thời gian tới.

Trao xe cho người dân tham gia mô hình “Tổ hợp tác vận chuyển hàng hóa, nông sản, thực phẩm" phường Mỹ Thới

Ông Nguyễn Thành Út (hộ cận nghèo khóm Nguyễn Du) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui khi đại diện cho 7 hộ dân được nhận xe gắn máy trong dự án mô hình "Tổ hợp tác "xe ôm" phường Mỹ Bình". Chiếc xe không chỉ giúp gia đình chúng tôi cải thiện điều kiện đi lại, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống hàng ngày.

Từ nay, tôi sẽ sử dụng phương tiện này để chạy "xe ôm", kiếm thêm thu nhập, cố gắng vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Tôi xin hứa chấp hành tốt quy định của Nhà nước về thực hiện mô hình, rèn luyện tốt ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo; phát huy tốt tinh thần đoàn kết với tất cả thành viên trong tổ hợp tác, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thành công dự án”.

Mỹ Xuyên là một trong những phường nội ô của TP. Long Xuyên. Cơ cấu kinh tế chủ yếu thương mại - dịch vụ, phát triển cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng hoạt động về đêm. Trên địa bàn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức Nhà nước hoặc người lao động trong công ty, cơ sở tư nhân.

Do đó, nhu cầu đưa rước người tại cơ sở ăn uống, đưa rước học sinh và vận chuyển, giao hàng, thức ăn ngày càng tăng cao. Đây là nguồn sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn phường nói chung, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nói riêng.

Chính vì vậy, Đảng ủy, UBND phường Mỹ Xuyên chọn mô hình “Tổ hợp tác xe môtô giao hàng; đưa rước khách”, giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Mô hình thu hút 11 thành viên đăng ký tham gia (trong đó, 7 hộ cận hộ nghèo và 4 hộ mới thoát nghèo).

Tổng kinh phí thực hiện gần 400 triệu đồng (hộ dân tham gia đối ứng 40%, tương đương gần 160 triệu đồng). Theo lãnh đạo UBND phường Mỹ Xuyên, mô hình khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND phường hướng tới mục tiêu mang lại điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Năm 2024, phường Mỹ Thới còn 3 hộ nghèo và 66 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,92% hộ dân toàn phường. Địa phương xây dựng mô hình "Tổ hợp tác vận chuyển hàng hóa, nông sản, thực phẩm", thu hút 17 thành viên tham gia. Mỗi thành viên được trao hỗ trợ 1 chiếc xe gắn máy để có điều kiện phát triển kinh tế. Tổng kinh phí dự án trên 590 triệu đồng (hộ dân tham gia đối ứng 40%, tương đương gần 250 triệu đồng).

Các mô hình là điểm tựa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn sản xuất - kinh doanh. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ trên cơ sở giảm dần hoạt động “cho không”, "cho con cá"; tăng dần cơ chế hỗ trợ có điều kiện, "trao cần câu". Từ đó, tạo ra sự chủ động, không trông chờ, ỷ lại cho đối tượng được hỗ trợ.

Tổng kinh phí xây dựng thực hiện Dự án 2 – Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP. Long Xuyên năm 2024 gần 4 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân được hơn 80%. Dự kiến sau khi tham gia dự án mô hình, trên 70% hộ thoát nghèo, cận nghèo.

 

NGUYỄN HƯNG