Vướng mắc khi huy động tham gia bảo hiểm y tế
Đến ngày 30/11/2024, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn thành phố hơn 91%, chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND thành phố đề ra (hơn 94%). Thường trực HĐND thành phố đề nghị Phòng Y tế chủ trì phân tích nguyên nhân chưa đạt, giải pháp chủ yếu để tỷ lệ bao phủ BHYT đạt chỉ tiêu năm 2025.
Theo Phòng Y tế TP. Long Xuyên, có nhiều nguyên nhân khiến chỉ tiêu này chưa đạt. Địa phương không có cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHYT. Nhân viên đại lý thu đa phần kiêm nhiệm; nhân lực của các tổ chức dịch vụ thu chưa phủ khắp địa bàn. Người dân hết hạn thẻ BHYT tự nguyện chưa chủ động đáo hạn.
Một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội, trong đó có BHYT, không tham gia hoặc chỉ tham gia khi có bệnh, nên tỷ lệ này khó vận động. Bên cạnh đó, thủ tục đấu thầu, tình trạng chậm cung ứng của các nhà thầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; dịch vụ chăm sóc y tế cho người có thẻ BHYT đôi lúc chưa tạo sự hài lòng, cũng là nguyên nhân khiến một số người dân e ngại về quyền lợi khi tham gia.
Khánh thành Trường Mẫu giáo Họa Mi
Việc di dân cơ học đi làm ăn xa cũng tác động đến tỷ lệ phát triển BHYT. Theo báo cáo của Công an TP. Long Xuyên, có gần 15.000 người dân thành phố (tương đương 5,4% dân số) rời địa phương trên 6 tháng. Người lao động ở lại thì gặp cảnh doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, dẫn đến giảm thu nhập, mất việc làm. Vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động.
Năm 2025, TP. Long Xuyên phấn đấu tỷ lệ BHYT toàn dân đạt 95%. “Chúng tôi đã tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chỉ đạo ngành liên quan và UBND cấp phường tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trước ngày 31/12/2024; hội, đoàn thể tăng cường vận động hội viên tham gia BHYT. Thực hiện kế hoạch cao điểm cuối năm, áp dụng nhiều gói quà tặng trong hội nghị khách hàng; tranh thủ sự hỗ trợ của ngành bảo hiểm xã hội, tổ chức dịch vụ thu, địa phương… đẩy nhanh tiến độ và tăng số lượng hội nghị khách hàng tiềm năng; phát động người thân của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành phố tham gia BHYT; tăng cường xã hội hóa hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người yếu thế, người khó khăn. Đồng thời, đề xuất Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp; không giao chỉ tiêu BHYT học sinh, sinh viên của trường thuộc Trung ương, tỉnh quản lý đang đóng trên địa bàn thành phố” - BS.CKII Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên thông tin.
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Tương tự, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2024 chỉ dừng lại ở mức gần 86% (49/57 trường), chưa đạt theo nghị quyết đề ra (91,07%). Tuy nhiên, đây là nỗ lực của địa phương khi tăng 10 trường đạt chuẩn so năm 2020. TP. Long Xuyên hiện có 16/18 trường mầm non, 22/26 trường tiểu học, 11/13 trường THCS đạt chuẩn quốc gia.
Dự kiến, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Mỹ Thạnh) và Mẫu giáo Họa Mi (phường Bình Khánh) sẽ đạt chuẩn năm 2024, nâng tỷ lệ toàn thành phố lên 89,5%. Trường Mẫu giáo Hoa Hồng, Mẫu giáo Hoa Đào, THCS Lý Thường Kiệt, THCS Bình Khánh đã được UBND tỉnh công nhận lại đạt chuẩn quốc gia; 9 trường thuộc xã Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng hoàn thành kiểm tra công nhận lại.
Trường Mẫu giáo Họa Mi được UBND tỉnh đầu tư hơn 33 tỷ đồng, xây dựng khoảng 3.594,6m2, gồm 10 phòng học (3 phòng mẫu giáo 3 tuổi, 3 phòng mẫu giáo 4 tuổi, 4 phòng mẫu giáo 5 tuổi), khối phòng hành chính quản trị, khối phòng tổ chức ăn, khối phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật. Trường hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu tháng 1/2025, không kịp tiến độ công nhận trường đạt chuẩn trong năm 2024.
Nghị quyết HĐND thành phố giao chỉ tiêu, năm 2025 có 51 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ gần 89,5%, trong đó Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đề nghị công nhận mới). Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh, để đạt được chỉ tiêu này, đơn vị tiếp tục chủ động xây dựng tiêu chí chuyên môn, chỉ đạo các trường học hoàn thiện, đạt chuẩn đối với tiêu chí không cần vốn; tham mưu UBND thành phố triển khai công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từ ngân sách và các nguồn khác. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; kêu gọi, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tùy theo điều kiện, từng cơ sở xã hội hóa xây dựng hạng mục công trình phụ trợ thiết yếu: Cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh cho học sinh…
GIA KHÁNH