Đối với dân quân thường trực
Điểm c, Khoản 1, Điều 34 Luật Dân quân tự vệ (DQTV) 2019 và Khoản 2, 3, Điều 12 Nghị định 72/NĐ-CP, ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định mức trợ cấp 1 lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình. Cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 2.980.000 đồng, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và tiêu chuẩn vật chất hậu cần như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ.
Đối với BHXH và BHYT, theo Công văn 2897/BQP-TM, ngày 31/8/2022 của Bộ Quốc phòng, mức đóng BHXH hàng tháng cho dân quân thường trực bằng 23% mức lương cơ sở (1.490.000 đồng x 23% = 342.700 đồng); mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (1.490.000 đồng x 4,5%= 67.050 đồng), 1 năm (67.050 đồng x 12 tháng = 804.600 đồng). Mức hưởng theo quy định của các văn bản pháp luật về BHXH, BHYT; thời gian đóng, hưởng trong thời gian là dân quân thường trực.
Khoản 4, Điều 12 Nghị định 72/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật DQTV về tổ chức xây dựng và chế độ, chính sách đối với lực lượng DQTV) quy định: “Mức hưởng các chế độ chính sách về BHXH, BHYT như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT”. Theo quy định của Luật BHYT và được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (ngày 13/6/2014), hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ và người thân được hưởng chế độ BHYT. Như vậy, dân quân thường trực và người thân được hưởng chế độ BHYT.
Ngoài ra, tại Hội thảo về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách đối với DQTV do Bộ Tổng tham mưu tổ chức tại Quân khu 9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề xuất mua BHYT cho người thân của dân quân thường trực các địa phương chưa thực hiện được do vướng mắc, vì chưa quy định mã đối tượng và mã quyền lợi để cấp thẻ BHYT. Vấn đề này, Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam trong thời gian tới có hướng dẫn chính thức, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.
Lực lượng làm việc tại khóm, ấp
Điều 14a, Nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6, Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, căn cứ vào quy định quỹ phụ cấp trên và đặc thù của cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND, quy định số lượng và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở khóm, ấp.
Cụ thể: “Bố trí không quá 3 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm, gồm: Trưởng ấp, khóm; bí thư chi bộ ấp, khóm; trưởng ban công tác mặt trận ấp, khóm. Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 lần mức lương cơ sở. Nếu kiêm nhiệm chức danh mà giảm 1 người (trong số lượng người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm bố trí tối đa theo quy định) thì được hưởng 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm đó”. Với quy định 1 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 lần mức lương cơ sở thì tổng mức phụ cấp của 3 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm bằng 3,0 mức lương cơ sở, đảm bảo đúng theo quy định hiện hành.
Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND cấp xã
Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, thì trường hợp kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND cấp xã là không được bố trí biên chế chuyên trách, không làm giảm số lượng biên chế được giao, nên không thuộc đối tượng phụ cấp kiêm nhiệm. Do đó, khi Trung ương nghiên cứu sửa đổi các văn bản trên, UBND tỉnh sẽ giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, kiến nghị hỗ trợ chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với chức danh Chủ tịch HĐND cấp xã.
Chức danh Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã
Hiện tại, Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND, ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh quy định chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với chức danh Chỉ huy Phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng mức phụ cấp, trợ cấp hàng tháng bằng 1,0 lần mức lương cơ sở; cộng với mức trợ cấp bồi dưỡng (bằng 0,5 lần lương cơ sở) và mức phụ cấp chức vụ, phụ cấp đặc thù, BHXH, BHYT theo quy định của Luật DQTV vệ năm 2019 và các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể.
Đối chiếu quy định trên, mức phụ cấp, trợ cấp của chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khóm trên địa bàn tỉnh đã vượt so với quy định. Đồng thời, nguồn kinh phí ngân sách của địa phương gặp khó khăn, phải nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Do đó, không thể điều chỉnh quy định tăng thêm mức phụ cấp, trợ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và khóm, ấp.
K.N